Đăng ký nhãn hiệu mỹ phẩm nhập khẩu

1. Các lợi ích khi đăng ký nhãn hiệu Mỹ phẩm nhập khẩu:

Việc đăng ký Nhãn hiệu các sản phẩm Mỹ phẩm nhập khẩu về Việt nam có rất nhiều lợi ích cho nhà Nhập khẩu cũng như đơn vị sản xuất. Cụ thể chúng tôi xin nêu một vài lợi ích sau:

– Nếu được bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm Mỹ phẩm, Chủ nhãn hiệu được độc quyền sử dụng Nhãn hiệu trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Mọi hành vi sử dụng Nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu đang được bảo hộ cho cùng sản phẩm dịch vụ nếu không được sự chấp thuận của Chủ sở hữu sẽ là hành vi xâm phạm quyền của Chủ sở hữu nhãn hiệu;

-Đăng ký nhãn hiệu sẽ góp phần hạn chế được vấn nạn hàng giả, hàng nhái về Nhãn hiệu.

– Khi làm thủ tục nhập khẩu sản phẩm mỹ phẩm: Theo Luật sở hữu trí tuệ, nhập khẩu sản phẩm Mỹ phẩm là một trong các hành vi sử dụng Nhãn hiệu, do đó một yêu cầu đặt ra khi thông quan đó là Nhãn hiệu mỹ phẩm Nhập khẩu nhãn hiệu nhập khẩu không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam cho sản phẩm Mỹ phẩm. Trường hợp nếu phát hiện hàng nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với Nhãn hiệu của người khác và trên cơ sở đơn yêu cầu tạm ngừng thông quan đối với hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ Cwo quan Hải quan sẽ tạm ngừng thủ tục thông quan, và nếu đủ căn cứ xác định Mỹ phẩm nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cac sản phẩm phải tái xuất hoặc loại bỏ Nhãn hiệu trên sản phẩm trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

– Khi Quảng cáo sản phẩm Mỹ phẩm: Quảng cáo là một hoạt động Maketting hiệu quả nhất để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với các nội dung quảng cáo có thể hiện logo, nhãn hiệu sản phẩm thì đơn vị cấp phép yêu cầu người quảng cáo phải có tài liệu chứng minh việc sử dụng logo nhãn hiệu là hợp pháp tại Việt Nam, không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

– Khi muốn trưng bày và bán sản phẩm mỹ phẩm bán tại cửa hàng tự chọn, siêu thị: Để đảm bảo hàng hóa được bán trong các cửa hàng tự chọn, siêu thị không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các cửa hàng, siêu thị thường yêu cầu người bán phải cung cấp tài liệu chứng minh việc sử dụng logo nhãn hiệu là hợp pháp tại Việt Nam, không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

– Tài liệu chứng minh việc sử dụng logo nhãn hiệu là hợp pháp tại Việt Nam, không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác cũng được yêu cầu khi Doanh nghiệp nhập khẩu đăng ký mã vạch cho sản phẩm Nhập khẩu.

2. Quyền Đăng ký nhãn hiệu Mỹ phẩm nhập khẩu:

2.1 Đối với công ty nước ngoài trực tiếp sản xuất sản phẩm Mỹ phẩm:

Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất

2.2 Đối với đơn vị nhập khẩu Mỹ phẩm:

Đối với các tổ chức,cá nhân nhập khẩu sản phẩm mỹ phẩm về Việt nam, thì chỉ có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Mỹ phẩm và mà mình nhập khẩu để bán tại Thị trường Việt Nam với điều kiện người sản xuất (Công ty nước ngoài) không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm Mỹ phẩm tại Việt Nam và không phản đối việc đăng ký nhãn hiệu của Đơn vị nhập khẩu.

3. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu Mỹ phẩm nhập khẩu:

Bộ hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu Mỹ phẩm nhập khẩu bao gồm:

(i) Tờ khai đăng ký nhãn hiệu:

Yêu cầu: 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu lập theo Mẫu

Yêu cầu đối với Tờ khai đăng ký nhãn hiệu:

+ Tờ khai phải được đánh máy và làm theo mẫu in trên khổ giấy A4, không được tẩy xóa;

+ Nhãn hiệu được dán, in trực tiếp vào mục Nhãn trên tờ khai;

+ Phần mô tả nhãn hiệu trên tờ khai phải mô tả đúng màu sắc, thành phần, ý nghĩa của Nhãn hiệu;

+ Phải tính đúng đầy đủ các loại phí lệ phí đăng ký nhãn hiệu theo Quy định của Bộ Tài chính;

+ Phải phân nhóm sản phẩm, dịch vụ liên quan đến sản phẩm Mỹ phẩm theo đúng chính xác Bảng phân loại quốc tế hàng hóa/dịch vụ Ni-xơ phiên bản 11-2020.

Lưu ý: Nếu Tờ khai có bất kỳ sai sót nào Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo Dự định Từ chối chấp nhận đơn hợp lệ và ấn định một thời hạn để Người nộp đơn sửa chữa sai sót, nếu sửa chữa không đạt yêu cầu thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ về hình thức và chấm dứt xử lý đơn.

(ii) Mẫu Nhãn hiệu kèm theo:

Yêu cầu đối mẫu nhãn hiệu Mỹ phẩm đăng ký:

+ Số lượng 07 mẫu Nhãn hiệu trong đó 02 Mẫu nhãn được in hoặc dán vào trực tiếp vào Tờ khai đăng ký nhãn hiệu.

+ 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo phải giống hệt với mẫu nhãn hiệu dán trên tờ khai đơn đăng ký kể cả kích thước, màu sắc;

+ Mẫu nhãn hiệu phải được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm, tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm in trên tờ khai đăng ký nhãn hiệu;

(iii) Chứng từ nộp phí và lệ phí:

Người nộp đơn cần xác định tổng số phí lệ phí cần phải nộp khi nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu và ghi vào mục Phí, lệ phí trên Tờ khai:

Mức thu Phí lệ phí khi nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu hiện nay được quy định tại Thông tư số 263/2016/ TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 14/11/2016 cụ thể khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn cần nộp các khoản phí và lệ phí sau:

+ Lệ phí nộp đơn (Thu theo mỗi đơn đăng ký Nhãn hiệu);

+ Phí công bố đơn (Thu theo mỗi đơn đăng ký Nhãn hiệu);

+ Phí tra cứu phục vụ việc thẩm định đơn (thu theo số lượng nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký nhãn hiệu và thu theo số lượng sản phẩm vượt quá 6 trong mỗi nhóm).

+ Phí thẩm định đơn (thu theo số lượng nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký nhãn hiệu và thu theo số lượng sản phẩm vượt quá 6 trong mỗi nhóm).

+ Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ (Chỉ thu sau khi Nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại Việt nam, lệ phí cấp Văn bằng thu theo Văn bằng và nhóm sản phẩm dịch vụ).

(iv) Bản sao Giấy phép kinh doanh hoặc CMND/CCCD đối với cá nhân đăng ký.

(v) Giấy Ủy quyền đại diện (nếu nộp đơn thông qua Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp)

4. Hướng dẫn lập tờ khai đăng ký nhãn hiệu Mỹ phẩm nhập khẩu:

4.1 Chọn Mẫu Nhãn hiệu Mỹ phẩm đăng ký:

Căn cứ vào bao bì mỹ phẩm, Quý khách có thể lựa chọn các loại Nhãn hiệu để đăng ký như sau:

Phương án 1: Chỉ lựa chọn Tên riêng của sản phẩm Mỹ phẩm nhập khẩu và/hoặc Tên nhà sản xuất để đăng ký Nhãn hiệu.

Ví dụ: Creme ABC

Trong đó, “ABC ” là tên riêng của sản phẩm mỹ phẩm

Phương án 2:

Đăng ký toàn bộ hình ảnh bao bì Mỹ phẩm làm Nhãn hiệu (sau khi đã loại bỏ các thông tin về thành phần, công dụng, khối lượng và các dấu hiệu của các tổ chức khác chứng nhận chất lượng sản phẩm như ISO, FDA, GMP..). Thông thường khi lựa chọn phương án này để đăng ký các Nhãn hiệu mỹ phẩm mà tên riêng không được bảo hộ (vì là tên gọi thông thường của hàng hóa hoặc tên riêng miêu tả tính chất công dụng, cách sử dụng của sản phẩm mỹ phẩm.

Ví dụ: tên sản phẩm là: Sữa dưỡng thể cấp ẩm cho da dầu.

4.2 Cách mô tả Nhãn hiệu Mỹ phẩm:

– Về màu sắc: Người nộp đơn cần liệt kê đầy đủ các màu sắc của Nhãn hiệu với các tên gọi màu sắc thông dụng, nếu Nhãn hiệu là màu đen trắng thì ghi Đen, trắng.

– Về phần mô tả: Yêu cầu người nộp đơn

+ Cần chỉ rõ yếu tố cấu thành nhãn hiệu (Ví dụ nhãn hiệu bao gồm chữ gì, hình gì, màu chữ, màu hình), và sự kết hợp giữa các yếu tố đó ý nghĩa của các yếu tố đó.

Ví dụ:

MÔ TẢ

Màu sắc: Đen, trắng

Mô tả: Nhãn hiệu gồm phần hình và phần chữ đặt theo hàng ngang

Phần hình ở phía bên trái là 3 hình tròn đồng tâm được đặt lồng vào nhau theo thứ tự ngoài cùng là hình tròn màu đen ở giữa màu trắng và hình tròn tâm màu đen.

Phần chữ là cụm từ “NIGICO”, màu đen, kiểu chữ hoa, đây là từ tự đặt và không có nghĩa tiếng Việt

+ Đối với phần chữ là các ngôn ngữ không thông dụng (Ví dụ: Nhật, Hàn, Trung, Ai cập… thì cần mô tả phiên âm và nghĩa tiếng Việt (nếu có)

Ví dụ:

DiaoYu

钓鱼

CÂU CÁ

MÔ TẢ

Màu sắc: Đỏ, đen, trắng.

Mô tả: Nhãn hiệu là chữ “DiaoYu” màu đỏ, bên dưới là chữ Trung Quốc “钓鱼” có phiên âm latin là “DiaoYu” có nghĩa tiếng Việt là “Câu cá”. Bên dưới cùng là chữ “CÂU CÁ”. Nhãn hiệu xin bảo hộ như mẫu nộp kèm

4.3 Cách phân nhóm đăng ký nhãn hiệu Mỹ phẩm:

Theo Bảng phân loại quốc tế hàng hóa/dịch vụ Ni-xơ phiên bản 11-2022. Các sản phẩm mỹ phẩm được Phân tại Nhóm 03 bao gồm:

“Mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh [không chứa thuốc]; chế phẩm đánh răng (không chứa thuốc); nước hoa, tinh dầu; chế phẩm tẩy trắng và các chất khác dùng để giặt; chế phẩm để tẩy rửa, đánh bóng, tẩy dầu mỡ và mài mòn; chế phẩm vệ sinh dùng để trang điểm/vệ sinh thân thể; khăn giấy được tẩm nước thơm (mỹ phẩm); chất khử mùi cho người hoặc động vật; chế phẩm làm thơm phòng; miếng dán móng tay nghệ thuật; sáp đánh bóng”

Lưu ý:

– Đối với các sản phẩm dầu gội đầu, xà phòng, sữa dưỡng da và chế phẩm đánh răng nếu có chứa thuốc sẽ được phân tại nhóm 05.

– Các dụng cụ dùng để trang điểm và làm sạch, ví dụ, chổi trang điểm (Nhóm 21), vải,
đệm và giẻ lau để làm sạch.

Tuy nhiên, đối với các sản phẩm Mỹ phẩm nhập khẩu, ngoài Nhãn hiệu sản phẩm Mỹ phẩm (tên và hãng sản xuất sản phẩm) thì người nhập khẩu có thể đăng ký thêm Nhãn hiệu cho các dịch vụ mua bán (bán buôn, bán lẻ), nhập khẩu Mỹ phẩm thuộc Nhóm 35.

Cụ thể:

Nhóm 35: Dịch vụ mua bán (bán buôn – bán lẻ), xuất nhập khẩu các sản phẩm mỹ phẩm như: Nước hoa, phấn trang điểm, son môi, kem chăm sóc da mặt.

Như vậy, đối với sản phẩm Mỹ phẩm Nhập khẩu, Nhà nhập khẩu có thể đăng ký cả 02 nhóm 03 và 35. Trong đó nhóm 03 chính là tên sản phẩm mỹ phẩm, hãng sản xuất sản phẩm mỹ phẩm còn nhóm 35 chính là nhãn hiệu dịch vụ Mua bán, xuất nhập khẩu mỹ phẩm.

Cần lưu ý:

– Nếu Người nhập khẩu mỹ phẩm từ nước ngoài muốn đăng ký Nhãn hiệu chính là tên sản phẩm Mỹ phẩm tại Việt Nam hoặc nhóm liên quan là dịch vụ mua bán mỹ phẩm (nhóm 35) thì phải có ý kiến của Nhà sản xuất sản phẩm mỹ phẩm nước ngoài về việc đồng ý/chấp thuận cho đơn vị Nhập khẩu được đăng ký Nhãn hiệu mỹ phẩm tại Việt nam (nhóm 03 và dịch vụ mua bán mỹ phẩm thuộc nhóm 35);

– Đối với Nhãn hiệu Dịch vụ mua bán Mỹ phẩm: Ngoài nhãn sản phẩm thì người nhập khẩu có thể sử dụng nhãn hiệu riêng của mình để đăng ký Nhãn hiệu cho các dịch vụ mua bán, nhập khẩu mỹ phẩm.

5. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu Mỹ phẩm nhập khẩu:

Theo quy định, thủ tục đăng ký nhãn hiệu Mỹ phẩm qua 3 bước chính trong thời gian 14-16 tháng, nhưng thực tế hiện nay do số lượng đơn đăng ký quá nhiều nên thời gian xử lý kéo dài từ 22-24 tháng kể từ ngày nộp đơn và trải qua các bước như sau:

Thứ nhất: Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu:

Thẩm định hình thức là việc Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra, xem xét tính hợp lệ về hình thức của đơn đăng ký nhãn hiệu, kiểm tra tính thống nhất của Đơn, Quyền đăng ký nhãn hiệu của Chủ đơn, về Mẫu nhãn, Phân nhóm sản phẩm/ dịch vụ có chính xác hay không và số phí và lệ phí đã nộp đầy đủ hay chưa. Thời hạn thẩm định hình thức đăng ký nhãn hiệu: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.

+ Nếu đơn đăng ký đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công bố đơn.

+ Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu chưa hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo dự định từ chối và ấn định thời hạn để người nộp đơn tự sửa chữa, khắc phụ sai sót. Nếu Người nộp đơn sửa chữa đạt yêu cầu thì Cục SHTT sẽ ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ về hình thức, ngược lại nếu sửa chữa không đạt yêu cầu thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ về hình thức và chấm dứt xử lý đơn ở các bước tiếp theo.

Thứ hai: Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu

+ Công bố đơn là việc Cục đăng tải các thông tin về đơn đăng ký nhãn hiệu trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Thời hạn công bố đơn đăng ký nhãn hiệu: 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.

Thứ ba: Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu

Đây là giai đoạn mà Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra đánh giá các điều kiện bảo hộ nhãn hiệu từ đó có kết luận về việc Nhãn hiệu có khả năng cấp văn bằng hoặc Từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Thời hạn thẩm định nội dung đơn: 09 tháng kể từ ngày công bố đơn. Hết thời gian thẩm định Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra một trong các thông báo sau:

+ Trường hợp Nhãn hiệu đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo dự định cấp văn bằng và dự định khoản phí, lệ phí cấp Văn bằng mà người nộp đơn cần nộp trong một khoảng thời gian ấn định là 2 tháng. Nếu người nộp đơn không nộp các khoản phí, lệ phí Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ đối với Nhãn hiệu

+ Trường hợp nhãn hiệu không đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo dự định từ chối cấp văn bằng gửi cho Người nộp đơn xem xét và có ý kiến phản đối. Nếu người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không đáp ứng yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ đối với Nhãn hiệu

Thứ tư: Nhận bản gốc văn bằng bảo hộ: (áp dụng cho các Đơn đăng ký được Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cấp văn bằng và Người nộp đơn đã nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ)

Thông thường, sau 02 – 03 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp Văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn. Kể từ thời điểm Nhãn hiệu được cấp Văn bằng, Người nộp đơn chính thức trở thành Chủ sở hữu nhãn hiệu.

6. Dịch vụ tư vấn đăng ký Nhãn hiệu tại Luật Bạch Minh 

Nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và phần chi phí không cần thiết cho việc đăng ký nhãn hiệu, Luật Bạch Minh cung cấp dịch vụ đại diện chủ đơn trong việc đăng ký nhãn hiệu. Chúng tôi sẽ, tư vấn sơ bộ hoàn toàn miễn phí cho quý khách hàng về hồ sơ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu mỹ phẩm đồng thời thực hiện các công việc sau:

+ Tra cứu, đánh giá khả năng bảo hộ cho nhãn hiệu của khách hàng. Đề xuất ý kiến chỉnh sửa, bổ sung trong trường hợp nhãn hiệu của khách hàng có khả năng trùng hoặc gây nhầm lẫn để giúp Nhãn hiệu đăng ký đạt được khả năng cấp Văn bằng cao nhất.

+ Đại diện Quý vị thực hiện toàn bộ công việc liên quan đến đăng ký Nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ như Soạn và ký hồ sơ, nộp hồ sơ và lệ phí, theo dõi quá trình xử lý, nhận các thông báo về việc xử lý đơn của Cục SHTT, nhận và gửi trả Quý Vị Văn bằng bảo hộ.

+ Tư vấn cho Chủ sở hữu Nhãn hiệu cách sử dụng và khai thác nhãn hiệu hiệu quả và các biện pháp chống các hành vi xâm phạm quyền.

Mọi yêu cầu Tư vấn – Tra cứu và Đăng ký nhãn hiệu xin liên hệ

Phòng Đăng ký Nhãn hiệu – Văn phòng luật sư Bạch Minh

Trụ sở chính: Số 26, Ngõ 1/2 Vũ Trọng Khánh – KĐT Mộ Lao, Quận Hà Đông, TP Hà Nội

VPĐD tại TP Hồ Chí Minh: 30/99/21, Lâm Văn Bền, Quận 7, TP Hồ Chí Minh

Điện thoại/Zalo: 0904 152 023 – 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại Hà Nội

Mobile: 0904 152 023

Email: luatbachminh@gmail.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh

Mobile: 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com

Chat với Luật Sư
Chat ngay