Luật sư giải quyết tranh chấp thừa kế tài sản

Luật sư giải quyết tranh chấp thừa kế tài sản

Trong thực tế, mâu thuẫn tranh chấp xảy ra khi tiến hành công bố di chúc và hoặc xảy ra thực hiện việc phân chia tài sản thừa kế.

Vậy cần làm gì để hạn chế tranh chấp thừa kế tài sản giữa những người được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật và nếu có tranh chấp thì phải giải quyết như thế nào, vai trò của luật sư trong việc tư vấn giải quyết tranh chấp về thừa kế. Chúng tôi xin tổng hợp bài viết dưới đây:

I . Các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp về thừa kế tài sản

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp về thừa kế tài sản, tuy nhiên trên thực tế các tranh chấp về phân chia tài sản thừa kế thường xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Các tranh chấp tài sản thừa kế liên quan đến việc xác định hiệu lực của di chúc

Thực tế cho thấy không phải Mọi bản Di chúc được lập đều hợp pháp và được thừa nhận.

Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định

“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật ..”

Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 quy định

“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Như vậy, Cá nhân là chủ sở hữu tài sản có quyền định đoạt tài sản của mình sau khi qua đời thông qua việc lập Di chúc để cho những ai, không cho ai, cho bao nhiêu, người nhận tài sản có nghĩa vụ gì. Ở đây cần hiểu rằng mỗi cá nhân có thể thay đổi ý chí đồng nghĩa với việc một người có thể lập nhiều bản di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi qua đời và bản Di chúc sau cùng nếu được cá nhân tự nguyện lập trong tình trạng minh mẫn tỉnh táo, hợp pháp về hình thức, nội dung không trái pháp luật và đạo đức xã hội thì bản di chúc sau cùng đó có hiệu lực.

Vậy làm sao để lập di chúc hợp pháp? xem thêm tại đây

Đây chính là các điều kiện để một bản Di chúc được coi là hợp pháp và có hiệu lực:

(i) Điều kiện về Chủ thể hay điều kiện đối với Người lập di chúc

Yêu cầu về tuổi: Người lập di chúc phải là Người thành niên ( là người từ đủ 18 tuổi trở lên). Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Như vậy, một người dưới 15 tuối không thể lập dược Di chúc trong mọi trường hợp

Yêu cầu về sự tự nguyện và minh mẫn:

Khi lập Di chúc, Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép khi lập di chúc. Trường hợp có bằng chứng chứng minh thời điểm lập Di chúc Người lập di chúc không đủ minh mẫn, sáng suốt như xác nhận của Bệnh viện chuyên khoa tâm thần, xác nhận của cơ sở y tế đã điều trị … hoặc có bằng chứng chứng minh Người lập di chúc bị  người khác ép buộc thì bản Di chúc đó không có giá trị pháp lý.

Đối với Người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ thì Di chúc phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

(ii) Điều kiện về Nội dung di chúc:

Nội dung di chúc là phần thể hiện ý nguyện của người để lại di chúc, như để lại tài sản cho ai, cho cái gì, giao trách nhiệm và nghĩa vụ cho những người được hưởng di sản, chỉ định người giữ và công bố di chúc..

Theo quy định, để có hiệu lực thì nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Ví dụ: Di chúc quy định để lại tài sản cho một người với điều kiện người được hưởng thừa kế đó phải thực hiện các công việc vi phạm pháp luật như giết người, gây thương tích, hoặc yêu cầu người được hưởng thừa kế phải thực hiện công việc không thể thực hiện như: lấy sao trời

(iii) Điều kiện về hình thức của Di chúc:

Mặc dù là ý chí cuối cùng, nhưng ý chí đó phải được thể hiện bằng một số hình thức cụ thể như: Di chúc bằng Văn bản và Di chúc miệng

Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Di chúc bằng văn bản có công chứng. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Lưu ý:

  • Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
  • Nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
  • Về Người làm chứng cho việc lập di chúc: Theo quy định thì mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Di chúc miệng:

Đây là một trường hợp đặc biệt của di chúc, theo đó chỉ được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Và để có hiệu lực thì người di chúc miệng phải thể hiện ý chí cuối cùng trước sự có mặt ít nhất hai người làm chứng, Người làm chứng phải ghi chép lại nội dung di chúc miệng và cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Lưu ý: Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ

Trên thực tế tư vấn và giải quyết tranh chấp về thừa kế gần như không có trường hợp nào lập di chúc miệng.

Các trường hợp di chúc vô hiệu

Di chúc vô hiệu là Bản di chúc không có hiệu lực pháp luật đối với phần bị vô hiệu, Di chúc có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Tại Việt Nam việc xem xét giá trị hiệu lực của Di chúc là thẩm quyền của Tòa án các cấp.

Các trường hợp Di chúc vô hiệu toàn bộ:

– Di chúc bị vô hiệu toàn bộ hay nói cách khác là không có giá trị pháp lý khi Người lập Di chúc không đủ tuổi, lập di chúc khi không đủ khả năng nhận thức, lập di chúc bị ép buộc.

– Di chúc bị vô hiệu toàn bộ khi toàn bộ khi Người được chỉ định thừa kế tài sản là tổ chức không còn tồn tại tại thời điểm mở thừa kế hoặc khi người được thừa kế mất trước hoặc mất cùng thời điểm với người lập di chúc.

– Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực, các bản di chúc trước vô hiệu.

– Di chúc vô hiệu khi nội dung của di chúc vi phạm pháp luật và trái đạo đức xã hội.

– Di chúc vô hiệu khi không đáp ứng điều kiện về hình thức di chúc.

Các trường hợp di chúc vô hiệu một phần:

Thực tế, di chúc chỉ có hiệu lực một phần trong các trường hợp sau;

– Người lập di chúc đã lập di chúc đối với các quyền tài sản của người khác. Đây là một dạng tranh chấp xảy ra khá nhiều.

Ví dụ 1: Người chồng hoặc vợ lập di chúc để định đoạt cả tài sản Chung vợ chồng như vậy di chúc sẽ chỉ có giá trị đối với phần tài sản của người lập di chúc;

Ví dụ 2: Nếu một người đã mất không để lại di chúc, Phần tài sản đó sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, nhưng thực tế người vợ/chồng lại lập Di chúc để phân chia cả phần tài sản của người chết. Như vậy Di chúc này cũng chỉ có hiệu lực một phần.

– Di chúc không để lại tài sản cho những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc như: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động. Trong trường hợp này dù Di chúc không để lại di sản cho họ hoặc để lại ít hơn thì họ vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.

Thứ hai: Tranh chấp tài sản thừa kế liên quan đến việc xác định người được và không được thừa kế

Các tranh chấp này cũng thường xuyên xảy ra, ở đây cần phải xác định 2 trường hợp:

Tranh chấp giữa những người được thừa kế theo di chúc và những người được thừa kế không phụ thuộc vào việc di chúc có cho họ hay không;

Thông trường, trong di chúc chỉ xác định những người được hưởng di sản thừa kế, vấn đề đặt ra là có những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như: Bố mẹ vợ, chồng, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao đồng thì theo quy định họ được hưởng 2/3 của một suất của một người thừa kế theo pháp luật. Nhưng việc xác định 2/3 một suất không hề đơn giản vì phải xác định được chính xác những người được thừa kế theo pháp luật.

Tranh chấp giữa những người được thừa kế theo pháp luật: Khi không có Di chúc hoặc có Di chúc nhưng Di chúc đó bị vô hiệu:

Các tranh chấp trong trường hợp này thường xuất phát từ việc xác định ai là người thừa kế. Ai bị truất quyền thừa kế

Theo quy định về hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Đối với những người là Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi như thế nào thì được thừa nhận. Hay chỉ những người thừa kế xác nhận họ là cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi.

Việc truất quyền thừa kế của những người thừa kế nhưng họ đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản là rất khó. Vì các vi phạm này diễn ra trong nội bộ gia đình, không có chứng cứ rõ ràng.

Thứ ba: Tranh chấp tài sản thừa kế liên quan đến việc phân chia di sản theo di chúc

Nhiều bản di chúc được lập hợp pháp, nhưng về cách thức phân chia không rõ ràng nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Ví dụ: Ông A đứng tên chủ sử dụng 02 thửa đất có diện tích, lợi thế kinh doanh khác nhau. Ông có 2 người con và hiện tại mỗi người con đều đang sử dụng một thửa đất. Khi lập di chúc Ông ghi chỉ ghi tên tài sản và phân định là chia đều cho 2 con. Vậy trong trường hợp này cả hai đều muốn được đứng tên sử dụng thửa đất có lợi thế kinh doanh nhưng người con đang trực tiếp quản lý thửa đất đó lại không muốn chia nhỏ thửa đất vì nếu làm như vậy sẽ làm giảm giá trị sử dụng. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ dẫn đến bất hòa và tranh chấp liên quan đến phân chia di sản.

Thứ tư: Các tranh chấp thừa kế liên quan đến thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế

Vấn đề thời hiện thừa kế được quy định tại Điều 623 Bộ Luật dân sự năm 2015, Ở đây cần xác định rõ

Đối với yêu cầu chia di sản thừa kế:

  • Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
  • Đối với yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc Bác bỏ quyền thừa kế của người khác: là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
  • Thời hiện đối với yêu cầu người thừa kế thực hiên nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

II. Phải làm gì để hạn chế tranh chấp liên quan đến thừa kế

Xuất phát từ các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp về thừa kế tài sản, theo chúng tôi Người lập Di chúc cần chú ý các việc sau:

Thứ nhất: Xác định rõ tài sản của mình gồm những gì, các tài sản có giấy tờ, các tài sản không có giấy tờ, các tài sản riêng, các tài sản chung với người khác trong trường hợp di chúc có ghi nhận tài sản chung thì phải xác định rõ phần quyền của mình trong khối tài sản chung đó.

Thứ hai: Trong khối tài sản đó phải xác định rõ tài sản nào được chia, tài sản nào dùng vào việc thờ cúng, trách nhiệm của người được giao tài sản thờ cúng, có hay không được đứng tên tài sản thờ cúng.

Thứ ba: Phải xác định rõ cho ai cho tài sản nào, trong trường hợp di chúc để lại cho nhiều người thì cần phải xác định phần của mỗi người cụ thể,  đối với việc phân chia Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nên dùng bản vẽ xác định mốc giới. Song song với quyền là các nghĩa vụ cụ thể, rõ ràng mà những người được hưởng di sản phải thực hiện (nếu có)

Thứ tư: Tìm hiểu các hình thức di chúc để lựa chọn phù hợp

Thứ năm: Tìm người tin tưởng để quản lý và Công bố di chúc sau khi người để lại Di chúc qua đời.

Theo chúng tôi, sẽ Tốt hơn nếu Người lập di chúc nên sử dụng dịch vụ tư vấn của các Luật sư có kinh nghiệm để tư vấn về nội dung di chúc, soạn thảo và làm chứng Di chúc. Trên cơ sở các thông tin về tài sản và mong muốn của Khách hàng Luật sư sẽ phân tích chỉ ra được những điểm nên hoặc không nên, phương án khắc phục để đảm bảo Bản Di chúc hợp pháp về hình thức, nội dung không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

III. Về trình tự giải quyết tranh chấp liên quan đến thừa kế tài sản 

(Lưu ý đây là trình tự các bước trên thực tế mà không phải quy định bắt buộc trong mọi trường hợp trước khi khởi kiện ra tòa)

Bước 1: Họp và hòa giải tại gia đình, dòng họ để tự giải quyết tranh chấp

Thông thường những người được thừa kế có quan hệ huyết thống và là các thành viên trong một gia đình, do đó khi có mâu thuẫn tranh chấp thì gia đình hoặc dòng họ đứng ra tổ chức cuộc họp gồm đại diện những người có uy tín, hiểu biết, ăn nói được. Mục đích của buổi họp có tính chất phân tích, hòa giải  và hàn gắn tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Nếu hòa giải không thành hoặc dù đã hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện thì các bên tiếp tục có đơn đề nghị gửi UBND xã phường, thị trấn đề nghị giải quyết tranh chấp.

Bước 2: Hòa giải giải quyết tranh chấp tại UBND cấp xã, phường

Với vai trò là cơ quan quản lý địa phương, UBND xã phường sẽ tổ chức hòa giải, nội dung là ghi nhận ý kiến của các bên, phân tích sơ bộ về căn cứ và điều hơn lẽ thiệt để các bên thống nhất. Kết thúc là Biên bản hòa giải với 2 chiều hướng: Hòa giải thành hoặc Hòa giải không thành.

Bước 3: Khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết các tranh chấp thừa kế tài sản:

Chú ý:

– Người khởi kiện cần xác định rõ yêu cầu khởi kiện để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mình.

– Chỉ trong một số trường hợp, thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc trước khi Khởi kiện tại Tòa án.

– Thủ tục tố tụng hiện nay theo Luật tố tụng dân sự sẽ gồm: Xét xử sơ thẩm; Xét xử Phúc thẩm (nếu có kháng cáo kháng nghị) và thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án đã có hiệu lực pháp luật (nếu có căn cứ).

IV. Vai trò của Luật sư trong việc giải quyết tranh chấp về thừa kế tài sản

Theo thói quen thông thường ở Việt Nam, các tranh chấp liên quan đến thừa kế được các bên coi đó là việc riêng của mỗi gia đình nên tự giải quyết, thậm chí nhiều tranh chấp đã được một trong các bên gửi lên UBND xã phường thị trấn để xem xét và hòa giải nhưng chưa có sự tham gia tư vấn của luật sư. Và chỉ đến khi khởi kiện tại Tòa án, hay gặp phải vướng mắc tại Tòa án thì các bên mới tìm kiếm và sử dụng dịch vụ của luật sư tư vấn, luật sư đại diện bảo vệ quyền lợi tại tòa. Án tại hồ sơ và tại thời điểm đã khởi kiện, di chúc đã được lập (nếu có), ý kiến, quan điểm của các bên tại buổi hòa giải gia đình, hòa giải tại UBND xã phường sẽ trở thành căn cứ và chứng cứ chống lại họ, đây là một bất lợi rất lớn mà luật sư khó có thể tháo gỡ được. Như vậy, nên sử dụng dịch vụ tư vấn của Luật sư trong các giai đoạn nào.

1. Vai trò của Luật sư trong việc tư vấn lập Di chúc thừa kế:

Các tranh chấp về thừa kế hiện nay thường liên quan đến hiệu lực của di chúc hoặc về nội dung di chúc không rõ ràng, định đoạt cả phần tài sản của người khác. Chính vì vậy theo chúng tôi phải giải quyết vấn đề gốc dễ của các mâu thuẫn tranh chấp từ khi Người nào đó có ý định lập di chúc. Và ngay từ thời điểm này họ nên sử dụng dịch vụ tư vấn của Luật sư có kinh nghiệm về di chúc và thừa kế.

Trong việc lập Di chúc Luật sư sẽ làm gì:

Sau khi được Thân chủ nói về ý định lập di chúc, về các tài sản để lại thừa kế, về ý nguyện phân chia di sản thừa kế luật sư sẽ:

– Phân tích chỉ rõ quyền của Người lập di chúc đối với các tài sản thừa kế, Cách thức phân chia thừa kế, xác định rõ phần di sản dùng vào việc thờ cúng, các tài sản khác, trách nhiệm thờ cúng,  quyền và nghĩa vụ khác (nếu có) cho những người được hưởng thừa kế.

– Tư vấn và xác định rõ những người được thừa kế mà không phụ thuộc nội dung của di chúc để người lập Di chúc biết.

– Tư vấn các hình thức di chúc ưu nhược điểm của các hình thức di chúc để Người lập di chúc lựa chọn;

– Soạn thảo và làm chứng di chúc.

2. Vai trò tư vấn của Luật sư khi tham gia hòa giải tại gia đình và tại UBND cấp xã phường:

Sẽ rất thuận lợi nếu trong các buổi hòa giải, nếu có một người là trung gian, am hiểu các quy định của pháp luật về thừa kế đứng ra phân tích và đưa ra các giải pháp giải quyết vụ việc làm sao thấu tình đạt lý. Và nếu hòa giải thành các bên tránh được việc kiện tụng kéo dài tốn kém và đặc biệt là nếu hòa giải thành thì các bên vẫn giữa được mối quan hệ tình cảm giữa anh với em, mẹ với con, ..

Trong buổi hòa giải Luật sư sẽ làm gì:

Sau khi nghiên cứu hồ sơ như di chúc, và biết được ý định của các bên luật sư sẽ:

– Xác định được tài sản, phần tài sản mà Người chết để lại;

– Phân tích, đánh giá về giá trị hiệu lực của di chúc (nếu có)

– Xác định những người được thừa kế theo di chúc, những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc hoặc xác định những người được thừa kế theo pháp luật.

– Phân tích, chỉ rõ quyền lợi của những người thừa kế, về ưu nhược điểm của việc hòa giải không thành; Khó khăn trong việc khởi kiện và theo đuổi vụ kiện.

– Tư vấn về các nội dung thân chủ cần nói những điều không nên vì có thể dùng làm bằng chứng trước tòa.

– Viết Biên bản cuộc họp và làm chứng biên bản cuộc họp gia đình.

3. Vai trò của Luật sư trong việc giải quyết các tranh chấp thừa kế tại tòa án:

Trong trường hợp vụ việc các bên không hòa giải thành, một trong các bên đều có quyền yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết tranh chấp liên quan đến thừa kế tài sản.

Tùy tư cách mà luật sư có các vai trò khác nhau trong việc giải quyết tranh chấp thừa kế tại các cấp tòa án.

3.1 Nếu Luật sư tham gia với tư cách là Người đại diện theo Ủy quyền của Khách hàng.

Theo đó, Luật sư sẽ đại diện theo Ủy quyền của khách hàng để tham gia các buổi làm việc với tòa án, tham gia xác minh định giá tài sản, tham gia đối chất, hòa giải và tham gia phiên tòa xét xử  sơ thẩm/phúc thẩm. Nói chung luật sư sẽ thực hiện tất cả các công việc nhân danh Khách hàng.

Xin lưu ý: Mặc dù đã ủy quyền cho luật sư, nhưng trong một số trường hợp để xác minh, làm rõ vấn đề nào đó mà Luật sư không thể biết thì Tòa án sẽ triệu tập khách hàng để xác minh làm rõ.

3.2 Nếu Luật sư tham gia với tư cách là Luật sư bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.

Trong trường hợp này, Luật sư sẽ cùng khách hàng tham gia vụ kiện. Luật sư sẽ:

– Tư vấn soạn thảo đơn khởi kiện gửi khách hàng;

– Tham gia các buổi hòa giải, đối chất, xác minh định giá

– Nghiên cứu hồ sơ tài liệu, lời khai của các bên liên quan đưa ra quan điểm tư vấn cho Khách hàng trên các quy định của pháp luật

– Tham gia phiên tòa, trình bày bài bảo vệ tại phiên tòa xét xử.

Mọi chi tiết xin liên hệ:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Trụ sở chính: Số 26, Ngõ 1/2 Vũ Trọng Khánh – KĐT Mộ Lao, Quận Hà Đông, TP Hà Nội

VPĐD tại TP Hồ Chí Minh: 30/99/21, Lâm Văn Bền, Quận 7, TP Hồ Chí Minh

Điện thoại/Zalo: 0904 152 023 – 0865.28.58.28

Hoặc Quý khách gửi yêu cầu tư vấn qua Emailluatbachminh@gmail.com


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại Hà Nội

Mobile: 0904 152 023

Email: luatbachminh@gmail.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh

Mobile: 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com

Chat với Luật Sư
Chat ngay