Mục lục bài viết
1. Những tranh chấp có yếu tố nước ngoài là gì?
Những tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có ít nhất một trong các Bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
– Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
– Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
2. Luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài
Khi phát sinh tranh chấp, vấn đề đặt ra là luật của nước nào được áp dụng và phạm vi áp dụng như thế nào
2.1 Nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Tại Điều 664 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 664. Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
Điều 670. Trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài
1. Pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;
b) Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.
2. Trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.”
2.2 Pháp luật áp dụng để xác định năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự đối với cá nhân người nước ngoài:
Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự được quy định tại Điều 673 – 674 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều 673. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch.
2. Người nước ngoài tại Việt Nam có năng lực pháp luật dân sự như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.”
Điều 674. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
1. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam, năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc xác định cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.”
2.3 Pháp luật áp dụng để xác định Quốc tịch và năng lực pháp luật dân sự của Pháp nhân nước ngoài:
Tại Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều 676. Pháp nhân
1. Quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập.
2. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân; tên gọi của pháp nhân; đại diện theo pháp luật của pháp nhân; việc tổ chức, tổ chức lại, giải thể pháp nhân; quan hệ giữa pháp nhân với thành viên của pháp nhân; trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Trường hợp pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.”
2.4 Pháp luật áp dụng đối với quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân có yếu tố nước ngoài:
Bộ luật dân sự năm 2015 có các quy định về Phân loại tài sản, quyền tài sản như sau:
“Điều 677. Phân loại tài sản
Việc phân loại tài sản là động sản, bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản.
Điều 678. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản
1. Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Điều 679. Quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ.
Điều 680. Thừa kế
1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Điều 681. Di chúc
1. Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.
2. Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:
a) Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
b) Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
c) Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.
Điều 683. Hợp đồng
1. Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.
2. Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:
a) Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa;
b) Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ;
c) Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ;
d) Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân;
đ) Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng.
3. Trường hợp chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu tại khoản 2 Điều này có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó.
4. Trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản.
5. Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
6. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.
7. Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam.
Điều 687. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
1. Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng.
2. Trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có nơi cư trú, đối với cá nhân hoặc nơi thành lập, đối với pháp nhân tại cùng một nước thì pháp luật của nước đó được áp dụng.”
2.5 Pháp luật áp dụng trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài:
Trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự được Quy định như sau:
“Điều 466. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của người nước ngoài
1. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của người nước ngoài được xác định như sau:
a) Theo pháp luật của nước mà người nước ngoài có quốc tịch; trường hợp người nước ngoài là người không quốc tịch thì theo pháp luật của nước nơi người đó cư trú; nếu người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thì theo pháp luật Việt Nam;
b) Theo pháp luật của nước nơi người nước ngoài có quốc tịch và cư trú tại một trong các nước mà họ có quốc tịch nếu họ có nhiều quốc tịch nước ngoài.
Trường hợp người nước ngoài có nhiều quốc tịch và cư trú ở nước mà không cùng với quốc tịch của nước đó thì theo pháp luật của nước nơi người nước ngoài có thời gian mang quốc tịch dài nhất;
c) Theo pháp luật Việt Nam nếu người nước ngoài có nhiều quốc tịch và một trong quốc tịch đó là quốc tịch Việt Nam hoặc người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú tại Việt Nam.
2. Người nước ngoài có thể được công nhận có năng lực hành vi tố tụng dân sự tại Tòa án Việt Nam, nếu theo quy định của pháp luật nước ngoài thì họ không có năng lực hành vi tố tụng dân sự, nhưng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì họ có năng lực hành vi tố tụng dân sự.
Điều 467. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Nhà nước nước ngoài
1. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước nơi cơ quan, tổ chức đó được thành lập.
Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài được xác định theo pháp luật Việt Nam.
2. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế được xác định trên cơ sở điều ước quốc tế là căn cứ để thành lập tổ chức đó, quy chế hoạt động của tổ chức quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trường hợp tổ chức quốc tế tuyên bố từ bỏ quyền ưu đãi, quyền miễn trừ thì năng lực pháp luật tố tụng dân sự của tổ chức quốc tế đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.
Điều 481. Xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài để Tòa án áp dụng trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
Trường hợp Tòa án Việt Nam áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì trách nhiệm xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài được thực hiện như sau:
1. Trường hợp đương sự được quyền lựa chọn pháp luật áp dụng là pháp luật nước ngoài và đã lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đó thì có nghĩa vụ cung cấp pháp luật nước ngoài đó cho Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự. Các đương sự chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của pháp luật nước ngoài đã cung cấp.
Trường hợp các đương sự không thống nhất được với nhau về pháp luật nước ngoài hoặc trong trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ ngoại giao, cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc thông qua Bộ ngoại giao đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam cung cấp pháp luật nước ngoài;
2. Trường hợp luật của Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định phải áp dụng pháp luật nước ngoài thì đương sự có quyền cung cấp pháp luật nước ngoài cho Tòa án hoặc Tòa án yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cung cấp pháp luật nước ngoài;
3. Tòa án có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài cung cấp thông tin về pháp luật nước ngoài;
4. Hết thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Tòa án yêu cầu cung cấp pháp luật nước ngoài theo quy định tại Điều này mà không có kết quả thì Tòa án áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết vụ việc dân sự đó.”
3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài
Khi có một tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài được giải quyết tại Tòa án. Vấn đề đặt ra là Tòa án Việt Nam hay Toà án nước ngoài sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó.
Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:
3.1 Quy định về thẩm quyền chung của Toà án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
Thẩm quyền chung chính là thẩm quyền mà tòa án nước này có thẩm quyền xét xử, nhưng tòa án nước khác cũng có thể có thẩm quyền xét xử tùy thuộc vào tư pháp quốc tế của quốc gia đó. Trường hợp này, các bên trong quan hệ dân sự hoàn toàn có quyền lựa chọn tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp là tòa án của một trong hai quốc gia, hoặc tòa án của một quốc gia thứ ba.
Cụ thể tại Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 469. Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
1. Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:
a) Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
b) Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;
c) Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;
d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
đ) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;
e) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.
2. Sau khi xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam theo quy định của Chương này, Tòa án áp dụng các quy định tại Chương III của Bộ luật này để xác định thẩm quyền của Tòa án cụ thể giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.”
3.2 Quy định về thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
Thẩm quyền xét xử riêng biệt là trường hợp chỉ có Tòa án của một quốc gia mới có thẩm quyền xét xử đối với một số vụ án nhất định. Đối với Việt Nam, thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam được quy định tại điều 470 sau đây:
“Điều 470. Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam
1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
a) Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;
b) Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam;
c) Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.
2. Những việc dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
a) Các yêu cầu không có tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Yêu cầu xác định một sự kiện pháp lý xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam;
c) Tuyên bố công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú tại Việt Nam bị mất tích, đã chết nếu việc tuyên bố đó có liên quan đến việc xác lập quyền, nghĩa vụ của họ trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;
d) Tuyên bố người nước ngoài cư trú tại Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự nếu việc tuyên bố đó có liên quan đến việc xác lập quyền, nghĩa vụ của họ trên lãnh thổ Việt Nam;
đ) Công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam.”
3.3 Trường hợp không thay đổi thẩm quyền giải quyết của toà án Việt Nam
Tại Điều 471 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Quy định
“Điều 471. Không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đã được một Tòa án Việt Nam thụ lý giải quyết theo quy định về thẩm quyền của Bộ luật này thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết có sự thay đổi quốc tịch, nơi cư trú, địa chỉ của các đương sự hoặc có tình tiết mới làm cho vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền của Tòa án khác của Việt Nam hoặc của Tòa án nước ngoài.”