Hướng dẫn gia hạn giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia hạn giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu là một trong các thủ tục hành chính được thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ. Theo đó để gia hạn người nộp đơn cần chuẩn bị hồ sơ, nộp phí, lệ phí gia hạn và cần nộp hồ sơ trong thời hạn gia hạn. Luật Bạch Minh sẽ hướng dẫn chi tiết toàn bộ hồ sơ, thủ tục gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu trong bài viết dưới đây:

Mục lục bài viết

1. Vì sao nên gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu?

Cũng giống như quyền đăng ký nhằm mục đích xác lập quyền của doanh nghiệp, cá nhân đối với một Nhãn hiệu là tự nguyện, thì việc Gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu là quyền của Chủ Văn bằng bảo hộ mà không phải là thủ tục bắt buộc. Bởi lẽ

–  Nếu Chủ sở hữu Nhãn hiệu theo Giấy chứng nhận hiện không có nhu cầu độc quyền sử dụng nhãn hiệu đang được bảo hộ nữa (ai sử dụng cũng được) thì không cần gia hạn hoặc

– Nếu Chủ sở hữu Nhãn hiệu theo Giấy chứng nhận hiện đang sử dụng nhãn hiệu mới khác hoàn toàn với nhãn hiệu đang được bảo hộ thì việc gia hạn hiệu lực nhãn hiệu cũ sẽ không cần thiết

Như vậy, chỉ khi nào Chủ sở hữu Nhãn hiệu còn nhu cầu tiếp tục sử dụng độc quyền nhãn hiệu đang được bảo hộ  theo Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu mà Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp thì mới nên tiến hành thủ tục gia hạn hiệu lực. Việc có hoặc không gia hạn hiệu lực là ý chí tự nguyện của Chủ Văn bằng.

2. Thời điểm gia hạn Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu

Mặc dù việc gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu là quyền của Chủ Văn bằng bảo hộ, nhưng không vì thế mà Chủ Văn bằng có thể nộp hồ sơ và lệ phí gia hạn vào bất kỳ thời gian nào cũng được mà phải nộp hồ sơ trong thời hạn quy định.

Thời điểm nộp hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu được quy định cụ thể tại Thông  tư số 01/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp

Theo đó, để được gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong vòng 06 tháng trước ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực, chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp đơn yêu cầu gia hạn cho Cục Sở hữu trí tuệ.

Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nêu trên (hay còn gọi là gia hạn muộn) nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn cộng với 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn.

3. Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu được gia hạn bao nhiêu lần

Giữa các Văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ có các quy định khác nhau về thời hạn hiệu lực và việc gia hạn chỉ có các văn bằng sau:

Bằng độc quyền sáng chế,  Bằng độc quyền giải pháp hữu ích sẽ không được gia hạn hiệu lực.

Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

Như vậy, đối với Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể  gia hạn hiệu lực  nhiều lần, mỗi lần gia hạn thêm 10 năm.

4. Thời gian mỗi lần gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu:

Tương ứng với thời gian bảo hộ của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là 10 năm kể từ ngày nộp đơn. Thời gian hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu mỗi lần là 10 năm.

5. Hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu

Để gia hạn hiệu lực, tuỳ từng trường hợp Chủ Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu cần chuẩn bị các hồ sơ sau đây:

5.1 Để ghi nhận việc gia hạn hiệu lực trên Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu:

Bộ hồ sơ gia hạn gồm:

–  Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, làm theo mẫu 02-GHVB quy định tại Phụ lục C của Thông tư số 01/2007 của Bộ Khoa học và công nghệ.

–  Bản gốc Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu.

– Giấy uỷ quyền đại diện (trong trường hợp việc gia hạn thông qua Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp).

– Chứng từ nộp lệ phí gia hạn, phí sử dụng Văn bằng bảo hộ theo quy định.

5.2 Hồ sơ gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu trên hệ thống:

Trường hợp Chủ Văn bằng không có yêu cầu ghi nhận việc gia hạn hiệu lực trên bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị mất nhưng Chủ Văn bằng không muốn cấp lại văn bằng thì chỉ cần gia hạn hiệu lực trên hệ thống thông tin dữ liệu các Nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Bộ hồ sơ gia hạn trên hệ thống bao gồm:

–  Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, làm theo mẫu 02-GHVB quy định tại Phụ lục C của Thông tư số 01/2007 của Bộ Khoa học và công nghệ

– Giấy uỷ quyền đại diện (trong trường hợp việc gia hạn thông qua Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp);

– Chứng từ nộp lệ phí gia hạn, phí sử dụng Văn bằng bảo hộ theo quy định.

Lưu ý:

Việc gia hạn hiệu lực nhãn hiệu Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu trên hệ thống tuy có các ưu điểm về hồ sơ như trên nhưng có một nhược điểm đó là: Do việc gia hạn hiệu lực trên Văn bằng bảo hộ không thể hiện trên Văn bằng, do đó nếu muốn công chứng, chứng thực văn bằng bảo hộ hoặc nếu có tranh chấp khiếu nại liên quan đến quyền sử dụng nhãn hiệu thì Chủ Văn bằng sẽ gặp khó khăn. Trong trường hợp nếu muốn ghi nhận lại việc gia hạn hiệu lực trên Văn bằng gốc thì phải tiến hành thủ tục sửa đổi Văn bằng bảo hộ.

6. Lệ phí gia hạn Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu:

6.1 Phí lệ phí nhà nước phải nộp khi gia hạn Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu:

Khi gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ văn bằng phải kê khai và nộp các khoản phí và lệ phí gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính.

Hiện tại, mức thu phí lệ phí gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu được quy định tại Thông tư số 263/2016/TT-BTC của Bộ tài chính. Cụ thể:

TT

Tên phí, lệ phí và cách tính phí

Số tiền

(VNĐ)

01 Lệ phí gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo nhãn hiệu (10 năm) cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ

100.000

02 Lệ phí duy trì/gia hạn hiệu lực muộn (cho mỗi tháng nộp muộn)

10% lệ phí gia hạn phải nộp

03 Phí thẩm định yêu cầu gia hạn cho mỗi Văn bằng bảo hộ

160.000

04 Phí công bố thông tin về việc gia hạn Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

120.000

05 Phí đăng bạ thông tin về việc gia hạn Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

120.000

06 Phí sử dụng Văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ cho 10 năm

700.000

Như vậy, để có căn cứ tính đúng và tính đủ các khoản phí, lệ phí nhà nước cần phải nộp khi gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Chủ Văn bằng cần phải xem Nhãn hiệu đang được bảo hộ cho bao nhiêu Nhóm Sản phẩm/Dịch vụ và gia hạn hiệu lực cho toàn bộ các Nhóm Sản phẩm/dịch vụ hay chỉ gia hạn một phần? Thời điểm gia hạn có trong thời hạn hay gia hạn quá hạn.

6.2 Phí dịch vụ đại diện nộp đơn gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với các Chủ Văn bằng là tổ chức, cá nhân nước ngoài không có đại diện thương mại tại Việt Nam nếu muốn đăng ký nhãn hiệu hoặc Gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu thì bắt buộc phải thông qua các Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp.

Đối với các tổ chức, cá nhân là người Việt Nam, Chủ văn bằng có quyền tự mình trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, gia hạn hiệu lực hoặc Uỷ quyền cho tổ chức Đại diện sở hữu công nghiệp để tiến hành thủ tục nộp đơn Đăng ký/Gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu.

Trong trường hợp sử dụng dịch vụ gia hạn hiệu lực của các tổ chức Đại diện sở hữu công nghiệp, ngoài khoản phí và lệ phí Nhà nước như đã nêu ở trên thì Chủ Văn bằng phải trả thêm một khoản phí dịch vụ cho Tổ chức đại diện đó. Cụ thể mức phí dịch vụ là bao nhiêu do các bên tự thoả thuận.

7. Các lưu ý khi gia hạn Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu

Từ thực tiễn gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu, có một số tình huống phát sinh mà chúng tôi tổng hợp như sau:

Thứ nhất: Chủ Văn bằng không tìm thấy bản gốc Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu để gia hạn

Do thời gian bảo hộ Nhãn hiệu là 10 năm, nên vì nhiều lý do mà Chủ Văn bằng không tìm được bản gốc Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu. Để giải quyết tình huống này các Chủ Văn bằng có 2 phương án để lựa chọn:

– Tiến hành nộp hồ sơ xin cấp lại Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Xem thêm hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục và các khoản phí lệ phí xin cấp lại Văn bằng bảo hộ

–   Tiến hành gia hạn hiệu lực  Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu trên hệ thống

Hồ sơ gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu trên hệ thống được nêu cụ thể tại Mục 5.2 trên đây.

Thứ hai: Có sự thay đổi thông tin của Chủ Văn bằng

Trong thời hạn 10 năm hiệu lực, Chủ văn bằng có thế có các thay đổi thông tin về tên, về địa chỉ so với tên và địa chỉ đang được ghi nhận trên bản gốc Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu. Nếu gặp trường hợp này nếu chỉ tiến hành gia hạn hiệu lực thì hồ sơ gia hạn hiệu lực chắc chắc sẽ có thiếu sót vì

– Nếu Chủ Văn bằng đã thay đổi tên Công ty, chuyển đổi loại hình công ty (TNHH-Cổ phẩn) khác với tên hoặc loại hình Công ty ghi nhận trên Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì trên Tờ khai gia hạn hiệu lực phải dùng tên mới và con dấu công ty cũng thể hiện tên mới và như vậy thông tin Người yêu cầu gia hạn hiệu lực không trùng với thông tin chủ Văn bằng, đây là một thiếu sót về hồ sơ.

– Nếu Chủ Văn bằng bảo hộ đã thay đổi địa chỉ khác với địa chỉ ghi nhận trên Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì trên Tờ khai gia hạn hiệu lực phải khai địa chỉ mới và như vậy thông tin Người yêu cầu gia hạn hiệu lực không trùng với thông tin chủ Văn bằng về địa chỉ, đây là một thiếu sót về hồ sơ.

Để giải quyết tình huống này, trước tiên Chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cần tiến hành thủ tục sửa đổi thông tin trên Văn bằng bảo hộ, sau khi nộp song hồ sơ sửa đổi thông tin thì chủ Văn bằng mới tiến hành thủ tục gia hạn hiệu lực Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Chủ Văn bằng nên tiến hành nộp hồ sơ sửa đổi thông tin và hồ sơ gia hạn hiệu lực đồng thời vì để tránh trường hợp hết thời gian gia hạn hiệu lực theo quy định.

Xem thêm hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ

Thứ ba: Nhãn hiệu mà chủ văn bằng đang sử dụng không trùng lặp hoàn toàn với nhãn hiệu bảo hộ:

Đây là tình huống khá phổ biến, vì nhiều Chủ văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu không sử dụng đúng Nhãn hiệu được bảo hộ mà sử dụng nhãn hiệu tương tự. Sự tương tự ở đây là tương tự về Nhãn hiệu như chỉ sử dụng một phần (phần hình hoặc phần chữ) của nhãn hiệu bảo hộ và thêm hình, thêm chữ khác, thay đổi màu sắc ..….Và khi nhận được thông báo nhắc về việc gia hạn hiệu Chủ văn bằng muốn gia hạn hiệu lực cho chính Nhãn hiệu đang sử dụng.

Như vậy Nhãn hiệu mà Chủ sở hữu đang sử dụng trên thực tế là nhãn hiệu mới và không phải là đối tượng được bảo hộ nên không thể thực hiện được việc gia hạn Nhãn hiệu đang sử dụng.

Để bảo vệ quyền đối với Nhãn hiệu mới thì nên tiến hành thủ tục đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu. Nếu Nhãn hiệu mới tương tự với nhãn hiệu cũ thì khả năng được cấp Văn bằng cho Nhãn hiệu mới là rất cao vì Chủ sở hữu hai nhãn hiệu là một, và cùng đăng ký cho các hàng hoá dịch vụ trùng.

Thứ tư: Chủ văn bằng đã chuyển nhượng nhãn hiệu cho người khác nhưng chưa qua thủ tục đăng ký.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, khi chuyển nhượng quyền sở hữu Nhãn hiệu các bên phải lập thành Văn bản và Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu chỉ có hiệu lực khi đã được Đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp các bên chỉ ký hợp đồng mà không thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng tại Cục Sở hữu trí tuệ, như vậy việc chuyển giao chưa hoàn tất về pháp lý và Bên nhận chuyển giao nhãn hiệu chưa phải là Chủ sở hữu nhãn hiệu nên không có quyền yêu cầu gia hạn hiệu lực.

Trong trường hợp này, để gia hạn hiệu lực thì chỉ có Chủ sở hữu Nhãn hiệu hoặc Tổ chức đại diện được Chủ sở hữu nhãn hiệu uỷ quyền mới có quyền gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu.

8. Mẫu hồ sơ gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu

8.1 Mẫu Tờ khai gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu:

Một trong tài liệu bắt buộc phải có khi gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu là Tờ khai gia hạn.

Yêu cầu bắt buộc là Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được làm theo mẫu:02-GHVB quy định tại Thông tư số 01/2007 của Bộ Khoa học và công nghệ. Cụ thể Mẫu Tờ khai gia hạn như mô tả dưới đây:

Mẫu tờ khai gia hạn Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu
Mẫu Tờ khai gia hạn Văn bằng bảo hộ

8.2 Mẫu Giấy uỷ quyền đại diện gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu

Mỗi tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp sẽ có một mẫu Giấy Uỷ quyền riêng của mình. Tuy nhiên nội dung giấy Uỷ quyền phải bao gồm:

– Thông tin Bên Uỷ quyền và bên được Uỷ quyền

– Nội dung và phạm vi Uỷ quyền

Dưới đây là Mẫu Giấy uỷ quyền chung của Tổ chức đại diên Luật Bạch Minh Quý vị tham khảo.

Mẫu Giấy Uỷ quyền gia hạn giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu
Giấy Uỷ Quyền gia hạn VBBH Nhãn hiệu

9. Các tổ chức Đại diện gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu

Như đã nêu tại Mục 6.2 ở trên, đối với Chủ Văn bằng là tổ chức, cá nhân nước ngoài không có đại diện thương mại tại Việt Nam nếu muốn gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu thì bắt buộc phải thông qua các Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Đối với các tổ chức, cá nhân là người Việt Nam, Chủ văn bằng có quyền tự mình trực tiếp nộp hồ sơ gia hạn hoặc Uỷ quyền cho tổ chức Đại diện sở hữu công nghiệp để tiến hành thủ tục nộp đơn gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu.

Cần lưu ý rằng, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên chỉ có tổ chức đáp ứng các điều kiện theo quy định và đã được Cục Sở hữu trí tuệ quyết định ghi nhận và cấp mã Đại diện mới được quyền cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp liên quan đến việc Gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Khi thực hiện dịch vụ Đại diện, tổ chức đại diện có quyền ký tên vào các tài liệu, nộp hay rút lại các giấy tờ và tài liệu, nộp các khoản phí và lệ phí và nói chung làm tất cả những gì cần thiết cho việc đăng ký, gia hạn hiệu lực nhãn hiệu.

Luật Bạch Minh là một trong các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Quyết định ghi nhận Tổ chức đại diện từ năm 2010, với Mã đại diện là 123. Với việc gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu Luật Bạch Minh cung cấp các dịch vụ sau:

– Tư vấn hồ sơ, thủ tục gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đặc biệt là tư vấn phương án giải quyết đối với các trường hợp phát sinh khi gia hạn hiệu lực như thay đổi thông tin Văn bằng bảo hộ, thay đổi Nhãn hiệu….

– Đại diện cho Chủ Văn bằng để nộp hồ sơ gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ;

– Theo dõi, đôn đốc quá trình thẩm định đơn gia han hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ;

– Nhận kết quả gia hạn hiệu lực và bàn giao cho Khách hàng.

10. Hỏi đáp về gia hạn Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu

10.1 Gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu có phải là thủ tục bắt buộc chủ Văn bằng hay không?

Gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu không phải là thủ tục bắt buộc đối với chủ Văn bằng bằng bảo hộ. Việc gia hạn chỉ nhằm duy trì hiệu lực bảo vệ quyền của Chủ sở hữu Nhãn hiệu. Nếu không được gia hạn thì Nhãn hiệu sẽ chấm dứt hiệu lực sau thời hạn bảo hộ. Kể từ thời điểm chấm dứt hiệu lực Chủ Văn bằng không có đầy đủ quyền độc quyền đối với nhãn hiệu.

10.2 Tổ chức nào có chức năng đại diện gia hạn Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu?

Không phải mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp đều có chức năng đại diện gia hạn mà chỉ có các Tổ chức có chức năng Đại diện sở hữu công nghiệp mới có chức năng đại diện sở hữu công nghiệp.

Cách phân biệt nhanh và đơn giản nhất đó là: Nếu thông qua Tổ chức Đại diện, Chủ Văn bằng bảo hộ chỉ ký duy nhất 01 Giấy tờ là Giấy Uỷ quyền đại diện, mọi giấy tờ khác liên quan đến việc gia hạn hiệu lực sẽ do Tổ chức đại diện ký. Ngược lại nếu Chủ Văn bằng phải ký thêm các giấy tờ khác như Tờ khai, giải trình… thì tổ chức đó không phải là Tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp.

10.3 Cần làm gì khi nhận được Thông báo bắt buộc gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ?

Cùng với sự phát triển công nghệ thông tin, và với vấn nạn thư rác nên có thể các Chủ Văn bằng nhận được rất nhiều Thông báo của nhiều tổ chức yêu cầu gia hạn hiệu lực Nhãn hiệu, đặc biệt là có các thông báo nhân danh Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu Chủ Văn bằng phải gia hạn hiệu lực và nếu không gia hạn sẽ bị áp dụng các chế tài xử phạt …

Theo quan điểm của Chúng tôi, các Thông báo có đầy đủ thông tin của đơn vị Thông báo rõ ràng (không phải mạo danh Cục Sở hữu trí tuệ) với nội dung là nhắc nhở cho các Chủ Văn bằng về thời hạn bảo hộ Nhãn hiệu để Chủ Văn bằng biết và quyết định việc gia hạn hay không nếu gia hạn thì gia han trong thời hạn. Các thông báo này có ý nghĩa tích cực nhằm nhắc nhở các Chủ Văn bằng nhớ gia hạn vì thời hạn bảo hộ nhãn hiệu là 10 năm là một khoảng thời gian khá dài nên không phải Chủ Văn bằng nào cũng nhớ để gia hạn hiệu lực đúng hạn.

Còn đối với các Thông báo Mạo danh, Thông báo có nội dung đe doạ ép buộc coi việc gia hạn là trách nhiệm và nghĩa vụ mà Chủ Văn bằng phải thực hiện và nếu không gia hạn sẽ bị xử phạt hành chính.. đây là Thông báo vi phạm pháp luật. Và tuỳ từng trường hợp và mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, xử phạt theo quy định của phát luật.

Về các trường hợp gọi điện thoại, gửi thư mạo danh hoặc tự xưng là người của Cục Sở hữu trí liên hệ với Chủ Văn bằng yêu cầu gia hạn hiệu lực nhãn hiệu: Về việc này, ngày 07/9/2022 Cục Sở hữu trí tuệ đã có Thông báo số 7969/TB-SHTT về phương thức lừa đảo/gây nhầm lẫn đối với chủ văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp để các tổ chức, cá nhân được biết và cảnh giác.

Theo nội dung thông báo, Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định Cục không thuê hay ủy quyền cho bất kỳ đơn vị nào thực hiện các thủ tục (gia hạn, thu phí, v.v..) liên quan đến văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp. Như vậy tất cả các trường hợp Nhân danh Cục Sở hữu trí tuệ để gọi điện thoại hoặc gửi Thư đều là giả mạo. Các chủ Văn bằng cần cảnh giác.

10.4  Cần làm gì nếu sửa lại mẫu nhãn hiệu khi gia hạn giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu?

Trường hợp, nếu Chủ Văn bằng đã thay đổi nhãn hiệu so với nhãn hiệu đang được bảo hộ và sự thay đổi này có sự khác biệt cơ bản thì nên tiến hành thủ tục đăng ký xác lập quyền (Đăng ký mới nhãn hiệu sửa đổi) ngược lại

nếu  Nhãn hiệu mới  không khác biệt đáng kể với Nhãn hiệu đang được bảo hộ (chỉ thay đổi thành phần thứ yếu) thì nên tiến hành gia hạn nhãn hiệu cũ để duy trì hiệ lực và đăng ký mới nhãn hiệu. Trong trường hợp này nhãn hiệu mới có khả năng bảo hộ rất cao vì là một dạng nhãn hiệu liên kết với nhãn hiệu đang được bảo hộ.

10.5 Có thể gia hạn một phần hàng hoá dịch vụ đang bảo hộ được không?

Có thể gia hạn một phần hàng hoá đang được bảo hộ, vì theo Quy định của luật Chủ Văn bằng không được mở rộng phạm vi bảo hộ mà thôi. Do đó khi gia hạn hiệu lực Chủ Văn bằng có thể gia hạn toàn bộ hoặc gia hạn một phần nhãn hiệu hoặc gia hạn toàn bộ hoặc gia hạn một phần các Hàng hoá/Dịch vụ đang được bảo hộ.

10.6 Có thể gia hạn hiệu lực khi bị mất Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu?

Nếu bị mất, hỏng bản gốc Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu Chủ Văn bằng bảo hộ có thể lựa chọn cách thức Chỉ gia hạn hiệu lực trên hệ thống thông tin Nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam hoặc đồng thời tiến hành 02 thủ tục: Xin cấp lại Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và Gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

10.7 Nếu không gia hạn hiệu lực thì có bị ảnh hưởng đến việc kinh doanh không?

Theo quy định  của Luật Sở hữu trí tuệ, nếu Chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu không nộp phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực trong thời hạn quy định thì khi kết thúc thời hạn đó, hiệu lực văn bằng bảo hộ tự động chấm dứt kể từ ngày bắt đầu kỳ hiệu lực tiếp theo mà phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực không được nộp.

Như vậy, vấn đề ảnh hưởng duy nhất đó là Quyền độc quyền đối với nhãn hiệu của Chủ Văn bằng sẽ chấm dứt nếu không gia hạn hiệu lực, theo đó Chủ Văn bằng không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng Nhãn hiệu, không có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Mọi yêu cầu Tư vấn – Hướng dẫn thủ tục và Báo phí Gia hạn Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu xin liên hệ

Phòng Đăng ký Nhãn hiệu – Văn phòng luật sư Bạch Minh

Trụ sở chính: Số 26, Ngõ 1/2 Vũ Trọng Khánh – KĐT Mộ Lao, Quận Hà Đông, TP Hà Nội

VPĐD tại TP Hồ Chí Minh: 30/99/21, Lâm Văn Bền, Quận 7, TP Hồ Chí Minh

Điện thoại/Zalo: 0904 152 023 – 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại Hà Nội

Mobile: 0904 152 023

Email: luatbachminh@gmail.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh

Mobile: 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com

Chat với Luật Sư
Chat ngay