Thông báo gia hạn hiệu lực Nhãn hiệu

Thông báo gia hạn hiệu lực nhãn hiệu là gì ? và Vì sao Bạn hoặc Công ty bạn lại nhận được Thông báo về việc gia hạn hiệu lực Nhãn hiệu?

Bạn là Chủ sở hữu Nhãn hiệu đang trong thời gian bảo hộ độc quyền theo Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu (Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu) nhưng bỗng một ngày, Email hoặc Điện thoại của Bạn nhận được Thông báo về việc gia hạn hiệu lực Nhãn hiệu. Vậy thông báo gia hạn hiệu lực Nhãn hiệu là gì?

1. Thông báo gia hạn hiệu lực nhãn hiệu là gì?

Thông thường, các Thông báo gia hạn hiệu lực Nhãn hiệu sẽ do một Tổ chức có chức năng Đại diện sở hữu công nghiệp hoặc Tổ chức cung cấp dịch vụ gửi đến Chủ Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu với mục đích Cảnh báo hoặc Thông báo bạn nên tiến hành thủ tục gia hạn hiệu lực để tiếp tục duy trì hiệu lực Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Nội dung Thông báo gia hạn hiệu lực nhãn hiệu ít nhất sẽ bao gồm thông tin cơ bản như sau:

– Các thông tin về Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu cần gia hạn hiệu lực như:

+ Tên, địa chỉ chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu;

+ Bản chụp hình ảnh Nhãn hiệu đang bảo hộ;

+ Thông tin các sản phẩm và dịch vụ được bảo hộ theo Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu;

+ Ngày hết hạn hiệu lực của Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu;

– Về các hồ sơ mà Chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cần chuẩn bị để gia hạn hiệu lực như:

+ Bản gốc Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (nếu yêu cầu ghi nhận việc gia hạn trên bản gốc Văn bằng)

+ Bản sao Chứng thực giấy tờ của Chủ Văn bằng bảo hộ như (Căn cước công dân hoặc Giấy phép kinh doanh)

– Báo phí gia hạn và phí sử dụng Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu, phí cấp lại Văn bằng (nếu làm mất) hoặc phí sửa đổi thông tin của Chủ Văn bằng (nếu có sự thay đổi tên, thay đổi địa chỉ của Chủ Văn bằng…);

– Số điện thoại của Đơn vị gửi Thông báo mà Chủ Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu cần liên hệ để gia hạn hiệu lực.

2. Mục đích, ý nghĩa của Thông báo gia hạn hiệu lực Nhãn hiệu

Theo Quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn liên tiếp nhiều lần mỗi lần 10 năm với điều kiện Chủ Văn bằng phải nộp hồ sơ gia hạn hiệu lực trong thời hạn quy định và phải nộp phí lệ phí gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ. Với thời gian bảo hộ 10 năm là khá dài và trong khoảng thời gian này có thể có nhiều thay đổi về hoạt động sản xuất kinh doanh của Chủ Văn bằng.

Thực tế cho thấy, nhiều Chủ Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu có tâm lý chung là sau khi Nhãn hiệu đã được cấp Văn bằng bảo hộ rồi thì là của mình và yên tâm cất đi thật kỹ, vì vậy trên thực tế có rất nhiều Chủ Văn bằng quên việc phải gia hạn để tiếp tục duy trì hiệu lực dẫn đến tình trạng Văn bằng chấm dứt hiệu lực vì hết thời hạn bảo hộ.

Theo quy định của pháp luật, việc gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ hay không là Quyền của Chủ Văn bằng chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc, do đó nếu Chủ Văn bằng muốn tiếp tục duy trì hiệu lực Văn bằng thì mới cần tiến hành nộp đơn gia hạn. Chính vì đây là Quyền nên Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ không gửi Thông báo yêu cầu gia hạn hiệu lực đến Chủ Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Vì các lý do trên,  các Thông báo gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu nếu chỉ nhằm nội dung Nhắc nhở Chủ Văn bằng biết đến việc cần phải gia hạn nếu muốn tiếp tục duy trì hiệu lực, kèm theo thông tin Văn bằng và danh mục hồ sơ gia hạn, thời gian nộp hồ sơ gia hạn theo quy định, Phí lệ phí nhà nước, Phí dịch vụ đại diện việc nộp hồ sơ gia hạn đầy đủ tõ ràng thì các Thông báo này có Mục đích rất tốt và Luật Bạch Minh cũng xây dựng danh sách thông tin Văn bằng bảo hộ mà chúng tôi làm Đại diện và trước khi chuẩn bị đến thời hạn nộp hồ sơ gia hạn chúng tôi cũng gửi Thông báo nhắc nhở Khách hàng biết về thời gian bảo hộ và hướng dẫn hồ sơ thủ tục gia hạn hiệu lực nếu muốn tiếp tục duy trì hiệu lực.

Ngược lại, với các Thông báo Mạo danh hoặc Thông báo thể hiện rõ dụng ý xấu như:

+ Mạo danh Cục Sở hữu trí tuệ hoặc các cơ quan quản lý nhà nước khác để gửi thông báo cho Chủ Văn bằng về việc gia hạn hiệu lực;

+ Thông báo có các “từ” hoặc “cụm từ” có nghĩa “Cưỡng ép” hoặc thể hiện việc Gia hạn hiệu lực là “Nghĩa vụ” mà Chủ Văn bằng phải thực hiện mà không quan tâm họ có muốn gia hạn hay không?.

+ Thông báo gia hạn hiệu lực mà chỉ ghi số tiền mà Chủ Văn bằng phải nộp để gia hạn mà không nêu rõ ràng đầy đủ các khoản phí phí nhà nước, phí dịch vụ theo quy định.

+ Thông báo gia hạn hiệu lực gửi được gửi cho Chủ Văn bằng quá sớm (Gửi Thông báo gia hạn trước 12 đến 24 tháng tính đến ngày Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu hết hiệu lực) gây tâm lý khó chịu và cảm giác bị làm phiền (vì theo Luật Sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ chỉ tiếp nhận hồ sơ và lệ phí gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu trong vòng 06 tháng tính đến ngày Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu hết hiệu lực hoặc tiếp nhận các hồ sơ gia hạn muộn nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực).

Xin khẳng định lại rằng, hiện nay Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc Văn phòng đại diện của Cục sở hữu trí tuệ không gửi Thông báo gia hạn hiệu lực nhãn hiệu đến Chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Vì vậy, mọi trường hợp xưng danh Cục Sở hữu trí tuệ để gửi Thông báo gia hạn hiệu lực nhãn hiệu đều là hành vi Mạo Danh.

3. Cần làm gì khi nhận được Thông báo gia hạn hiệu lực Nhãn hiệu

Khi bạn nhận được một Thông báo hoặc một Tin nhắn có nội dung thông báo về thời hạn bảo hộ hoặc Thông báo về việc gia hạn hiệu lực Nhãn hiệu thì bạn không cần phải lo lắng. Thay vào đó, Chủ Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nên thực hiện các công việc theo các bước sau:

Bước thứ nhất. Kiểm tra thông tin về Nhãn hiệu bảo hộ

– Nếu Chủ sở hữu Nhãn hiệu còn giữ Bản gốc Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu: thì có thể tự mình kiểm tra thông tin trên bản gốc Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu (Thời hạn hiệu lực của Văn bằng, thông tin về Tên, Địa chỉ của chủ Văn bằng, về Mẫu Nhãn hiệu đang bảo hộ, về các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ đều được ghi nhận trên Văn bằng bảo hộ). Trường hợp nếu Chủ sở hữu Nhãn hiệu làm mất Bản gốc Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu thì có thể tìm kiếm Thông tin Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Trang dữ liệu Nhãn hiệu điện tử do Cục sở hữu trí tuệ công bố theo địa chỉ: http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn/wopublish.

– Liên hệ với đơn vị đại diện Sở hữu công nghiệp của Chủ Văn bằng đã đại diện nộp đơn đăng ký nhãn hiệu để nhờ kiểm tra hoặc Tìm kiếm các tổ chức có Chức năng Đại diện Sở hữu công nghiệp để nhờ kiểm tra thông tin Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu.

Trong trường hợp nếu Thông tin văn bằng bảo hộ là đúng và thời gian hiệu lực của văn bằng chỉ còn khoảng 6-7 tháng tính đến ngày hết hiệu lực và Chủ sở hữu Nhãn hiệu vẫn muốn tiếp tục duy trì hiệu lực của Văn bằng bảo hộ  thì sẽ tiến hành một hoặc một số các công việc được mô tả chi tiết tại Bước Thứ hai dưới đây:

Bước thứ hai: Chuẩn bị hồ sơ và lệ phí gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu:

Theo Quy định, Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm và để duy trì hiệu lực Chủ Văn bằng cần nộp hồ sơ và lệ phí gia hạn trong vòng 06 tháng tính đến ngày Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu hết hiệu lực. Chủ văn bằng có thể gia hạn muộn nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực.

Chủ Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu trực tiếp hoặc Ủy quyền cho một Tổ chức Đại diện sở hữu công nghiệp tiến hành nộp hồ sơ và lệ phí gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu cho Cục Sở hữu trí tuệ.

Lưu ý đặc biệt: Hết thời gian gia hạn hiệu lực (bao gồm cả thời gian được phép gia hạn muộn là 6 tháng tính đến ngày Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu hết hiệu lực) nếu Chủ Chủ Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu không gia hạn sẽ mất quyền gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu. Nếu muốn được bảo hộ Nhãn hiệu thì chỉ còn cách là nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu lại từ đầu.

Bước thứ ba: Tiến hành các công việc liên quan khác (nếu có)

Song song với việc gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu, tùy thuộc từng trường hợp cụ thể mà Chủ Văn bằng có thể tiến hành thêm một trong các thủ tục sau:

Xin cấp lại Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu (nếu làm mất Bản gốc Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu):

Trường hợp Bản gốc Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị hỏng, mất hoặc thất lạc, nếu có yêu cầu Cục Sở hữu cấp lại Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu thì Chủ Văn bằng cần nộp hồ sơ xin cấp lại Văn bằng bảo hộ, hồ sơ gồm Tờ khai, Mẫu Nhãn hiệu và phí lệ phí xin cấp lại Văn bằng bảo hộ. Chủ Văn bằng chó thể nộp hồ sơ cấp lại Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trước khi tiến hành thủ tục gia hạn hiệu lực hoặc có thể nộp hồ sơ đồng thời yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện song song hai thủ tục.

Sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu (nếu có thay đổi thông tin Văn bằng Nhãn hiệu):

Với thời gian bảo hộ 10 năm là khá dài và trong khoảng thời gian này có thể có nhiều thay đổi về tên, địa chỉ của Chủ Văn bằng. Để đảm bảo sự thống nhất thông của Chủ Văn bằng thì song song với việc gia hạn hiệu lực Chủ Văn bằng nên kiểm tra các thông tin ghi nhận trên Chủ Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu có còn chính xác nữa hay không? Cụ thể:

– Nếu Chủ Văn bằng là Cá nhân: Các thông tin về Tên, địa chỉ của cá nhân Chủ Văn bằng đã ghi nhận trên Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu có còn khớp với thông tin về tên, địa chỉ trên Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hiện tại không?

– Nếu Chủ Văn bằng là Tổ chức: Các thông tin về Tên, địa chỉ của Tổ chức đã ghi nhận trên Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu có còn khớp với thông tin về tên, địa chỉ trên Gấy phép kinh doanh/Giấy phép đầu tư hiện tại hay không?

Trường hợp nếu có sự thay đổi thông tin về tên, địa chỉ của Chủ Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu thì tương tự với việc cấp lại Văn bằng, Chủ Văn bằng có thể tiến hành đồng thời các thủ tục gia hạn, cấp lại, sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu để Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận cập nhật các thông tin cho chính xác đầy đủ.

4. Hướng dẫn chi tiết thủ tục gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu

Để có thể trực tiếp thực hiện thủ tục gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu, Chủ Văn bằng có thể tham khảo nội dung hướng dẫn chi tiết dưới đây:

4.1 Về hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu

– Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

– Để gia hạn hiệu lực, Chủ Văn bằng phải nộp hồ sơ và phí lệ phí gia hạn cho Cục Sở hữu trí tuệ trong vòng 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực hoặc có thể nộp hồ sơ gia hạn hiệu lực nộp muộn sau thời hạn quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí nộp muộn theo quy định.

4.2 Hồ sơ gia hạn hiệu lực Nhãn hiệu

Trường hợp Chủ sở hữu Nhãn hiệu tự nộp đơn đăng ký gia hạn hiệu lực:

Hồ sơ tự gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gồm 01 bộ tài liệu như sau:

– Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu soạn thảo theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục II theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 23 tháng 8 năm 2023.

– Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong trường hợp yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí trong trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ.

– Phí, lệ phí đăng ký gia hạn trong trường hợp nộp phí tại Cục sở hữu trí tuệ

Trường hợp Chủ sở hữu Nhãn hiệu Ủy quyền cho Tổ chức Đại diện  sở hữu công nghiệp nộp đơn đăng ký gia hạn hiệu lực:

Hồ sơ gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gồm 01 bộ tài liệu như sau:

– Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trường hợp yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

– Giấy ủy quyền đại diện do Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp soạn thảo.

4.3 Lệ phí gia hạn hiệu lực Nhãn hiệu

Theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành ngày 14 tháng 11 năm 2016 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.

Khi yêu cầu gia hạn hiệu lực, Chủ sở hữu Nhãn hiệu phải nộp các khoản phí, lệ phí nhà nước cụ thể như sau:

Các khoản Phí, lệ phí (Phí Nhà nước) khi yêu cầu Gia hạn hiệu lực VBBH Nhãn hiệu

Mức thu

(VNĐ)

Phí thẩm định yêu cầu gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ 160,000/ Văn bằng bảo hộ
Lệ phí gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu 100,000/ Nhóm sản phẩm/dịch vụ
Lệ phí gia hạn hiệu lực muộn 10% lệ phí gia hạn/tháng nộp muộn
Phí sử dụng Văn bằng bảo hộ 700,000/ Nhóm sản phẩm/dịch vụ
Phí đăng bạ quyết định gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ 120,000/ Văn bằng bảo hộ
Phí công bố quyết định gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ 120,000/Quyết định
Phí dịch vụ đại diện (Nếu Chủ đơn Ủy quyền cho Tổ chức Đại diện Sở hữu Công nghiệp nộp đơn gia hạn hiệu lực VBBH Nhãn hiệu) Theo thỏa thuận giữa Chủ Văn bằng với Tổ chức Đại diện SHCN

4.4 Thủ tục giải quyết yêu cầu gia hạn hiệu lực nhãn hiệu

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu gia hạn, Cục sở hữu trí tuệ xem xét hồ sơ và thực hiện các thủ tục sau đây:

– Trường hợp hồ sơ hợp lệ, ra quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào văn bằng bảo hộ (nếu có yêu cầu), đăng bạ và công bố quyết định gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định;

– Ra thông báo dự định từ chối gia hạn, có nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Hồ sơ yêu cầu gia hạn không hợp lệ hoặc được nộp không đúng thủ tục quy định;

(ii) Người yêu cầu gia hạn không phải là chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tương ứng.

Nếu kết thúc thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì Cục sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Lưu ý:

+ Trong trường hợp khi yêu cầu gia hạn Chủ Văn bằng không yêu cầu ghi nhận việc gia hạn hiệu lực trên Bản gốc Văn bằng bảo hộ và Cục Sở hữu trí tuệ đã hoàn tất thủ tục gia hạn hiệu lực. Sau đó chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu muốn Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận quyết định gia hạn hiệu lực vào văn bằng bảo hộ, chủ văn bằng bảo hộ phải thực hiện thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ và nộp phí, lệ phí sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ theo quy định.

+ Đây là thời gian giải quyết yêu cầu gia hạn theo Quy định, trên thực tế thời gian giải quyết yêu cầu gia hạn tại Cục sở hữu trí tuệ sẽ kéo dài hơn sơ với thời gian theo quy định.

5. Hướng dẫn giải quyết các tình huống phát sinh khi gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu:

5.1 Phải làm gì nếu Văn bằng bảo hộ bị mất, bị hỏng khi gia hạn hiệu lực:

Trường hợp khi gia hạn hiệu lực mà Chủ sở hữu Nhãn hiệu không tìm thấy Văn bằng gốc (bị hỏng, mất hoặc thất lạc), nếu có nhu cầu cấp lại Văn bằng thì Chủ sở hữu Nhãn hiệu cần chuẩn bị hồ sơ và lệ phí xin cấp lại Văn bằng bảo hộ nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Luật Bạch Minh hướng dẫn cụ thể thủ tục cấp lại Văn bằng bảo hộ như sau:

–  Hồ sơ xin cấp lại Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu bao gồm 01 bộ tài liệu sau:

+ Tờ khai yêu cầu cấp lại Văn bằng bảo hộ theo mẫu số 09 Phụ lục II theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 23 tháng 8 năm 2023;

+ 02 Mẫu nhãn hiệu trùng với mẫu nhãn hiệu trong Văn bằng bảo hộ gốc;

+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí cấp lại Văn bằng bảo hộ theo quy định;

+ Giấy ủy quyền đại diện cho Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp đại diện nộp hồ sơ cấp lại Văn bằng bảo hộ.

–  Lệ phí cấp lại Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu:

Theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành ngày 14 tháng 11 năm 2016 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.

Khi yêu cầu cấp lại Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, Chủ đơn phải nộp các khoản phí, lệ phí nhà nước cụ thể như sau:

Các khoản Phí, lệ phí (Phí Nhà nước) khi yêu cầu cấp lại VBBH Nhãn hiệu

Mức thu

(VNĐ)

Phí đăng bạ Quyết định cấp lại Văn bằng bảo hộ 120,000/ Văn bằng bảo hộ
Phí công bố Quyết định cấp lại Văn bằng bảo hộ 120,000/Quyết định
Phí dịch vụ đại diện (Nếu Chủ đơn Ủy quyền cho Tổ chức Đại diện Sở hữu Công nghiệp đại diện nộp đơn yêu cầu cấp lại văn bằng bảo hộ) Theo thỏa thuận giữa Chủ Văn bằng với Tổ chức Đại diện SHCN

– Thủ tục giải quyết yêu cầu cấp lại Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu:

Nếu Chủ Văn bằng muốn ghi nhận thông tin về việc gia hạn hiệu lực trên bản gốc Văn bằng bảo hộ nhưng vì bản gốc Văn bằng đã mất nên theo đúng trình tự, trước tiên chủ Văn bằng cần nộp hồ sơ xin cấp lại Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, sau khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp lại Văn bằng thì mới nộp hồ sơ (bao gồm Bản gốc Văn bằng) xin gia hạn hiệu lực.

Tuy nhiên do thời gian thẩm định và giải quyết yêu cầu cấp lại Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ thường mất vài tháng và nếu chờ đến khi Chủ Văn bằng nhận được Bản cấp lại Văn bằng bảo hộ thì rất có thể đã hết thời hạn gia hạn theo quy định (thời gian nộp hồ sơ gia hạn là trước 6 tháng hoặc tối đa sau 6 tháng tính đến ngày Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu hết hiệu lực).

Để đảm bảo việc gia hạn trong thời gian quy định Chủ Văn bằng có thể nộp hồ sơ xin cấp lại Văn bằng bảo hộ trước, sau khi có số đơn xin cấp lại Văn bằng bảo hộ thì Chủ Văn bằng nộp tiếp hồ sơ xin gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

5.2 Cần làm gì nếu các Thông tin ghi nhận trên Văn bằng bảo hộ đã thay đổi:

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (bao gồm cả đơn gia hạn, sửa đổi, cấp lại) phải đáp ứng tính thống nhất (thống nhất về thông tin của Chủ đơn/chủ Văn bằng). Các đơn không đảm bảo tính thống nhất sẽ bị Cục Sở hữu trí tuệ từ chối giải quyết.

Trong thời gian bảo hộ (10 năm), Chủ Văn bằng có thể có sự thay đổi trong đó thường thấy là: Thay đổi tên Tổ chức/Doanh nghiệp, thay đổi loại hình doanh nghiệp, thay đổi địa chỉ trụ sở đối với Chủ Văn bằng là Tổ chức/Doanh nghiệp. Đối với Chủ Văn bằng là cá nhân thường có sự thay đổi về địa chỉ cư trú so với các thông tin đã ghi nhận trên Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu.

Để tránh trường hợp Đơn gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu bị Cục Sở hữu trí tuệ từ chối vì không đảm bảo tính thống nhất như đã nói ở trên. Trường hợp khi gia hạn hiệu lực Nhãn hiệu mà có sự thay đổi thông tin về tên, địa chỉ của Chủ Văn bằng bảo hộ Nhãn thì Chủ Văn bằng phải tiến hành đồng thời các thủ tục gia hạn hiệu lực và thủ tục sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu để Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận cập nhật các thông tin cho chính xác đầy đủ. Luật Bạch Minh hướng dẫn cụ thể thủ tục cấp lại Văn bằng bảo hộ như sau:

– Hồ sơ Sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu bao gồm:

+ Tờ khai yêu cầu sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ theo mẫu số 06 Phụ lục II theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 23 tháng 8 năm 2023;

+ Bản gốc Văn bằng bảo hộ cần sửa đổi thông tin;

+ Các tài liệu xác nhận việc thay đổi tên, địa chỉ (bản gốc hoặc bản sao có xác nhận của công chứng hoặc của cơ quan có thẩm quyền); Quyết định đổi tên, địa chỉ; giấy phép đăng ký kinh doanh có ghi nhận việc thay đổi tên, địa chỉ; các tài liệu pháp lý khác chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ (có xác nhận của công chứng hoặc của cơ quan có thẩm quyền);

+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ theo quy định;

– Giấy ủy quyền đại diện cho Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp đại diện nộp hồ sơ sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ.

–  Lệ phí sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu:

Theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành ngày 14 tháng 11 năm 2016 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp. Khi yêu cầu sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, Chủ đơn phải nộp các khoản phí, lệ phí nhà nước cụ thể như sau:

Các khoản Phí, lệ phí (Phí Nhà nước) khi yêu cầu sửa đổi thông tin VBBH Nhãn hiệu Mức thu

(VNĐ)

Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ 160,000 / Văn bằng bảo hộ
Phí đăng bạ Quyết định sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ 120,000/ Văn bằng bảo hộ
Phí công bố Quyết định sửa đổi thông tin Văn bằng bảo hộ 120,000/Quyết định
Phí thẩm định lại (nếu yêu cầu thu hẹp phạm vi bảo hộ): tương ứng với phí thẩm định lần đầu 550.000/Nhóm sản phẩm, dịch vụ
Phí dịch vụ đại diện (Nếu Chủ đơn Ủy quyền cho Tổ chức Đại diện Sở hữu Công nghiệp đại diện nộp đơn yêu cầu sửa đổi thông tin VBBH) Theo thỏa thuận giữa Chủ Văn bằng với Tổ chức Đại diện SHCN

5.3 Nên làm gì nếu Nhãn hiệu đang sử dụng khác biệt với Nhãn hiệu đang bảo hộ:

Thực tế không ít trường hợp Nhãn hiệu đang được sử dụng thực tế có sự khác biệt với Nhãn hiệu đang được bảo hộ. Ở tình huống này phải đánh giá sự khác biệt đó để có phương án xử lý cụ thể:

– Nếu Nhãn hiệu đang sử dụng chỉ loại bỏ các chi tiết nhỏ là yếu tố bị loại trừ (không bảo hộ riêng)  so với Mẫu nhãn hiệu được bảo hộ sự và sự khác biệt không làm thay đổi khả năng phân biệt của nhãn hiệu ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì có thể tiến hành thủ tục Sửa đổi Mẫu nhãn hiệu (thu hẹp phạm vi bảo hộ).

Và đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tương ứng (có mẫu nhãn sửa đổi) phải được thẩm định lại về nội dung và người yêu cầu phải nộp phí thẩm định nội dung.

– Nếu Nhãn hiệu đang sử dụng có khác biệt cơ bản so với Mẫu nhãn hiệu được bảo hộ sự và sự khác biệt làm thay đổi khả năng phân biệt của nhãn hiệu ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì nên tiến hành các bước sau:

+ Đối với Nhãn hiệu cũ: Nên tiếp tục việc gia hạn hiệu lực nhằm loại bỏ các đối chứng từ chối tương tự khác khi bạn đăng ký Nhãn hiệu mới;

+ Đối với Nhãn hiệu mới: Tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu.

5.4 Có thể gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu nếu Chủ sở hữu Nhãn hiệu là Tổ chức/Doanh nghiệp/Hộ Kinh doanh đã Chấm dứt hoạt động hoặc Giải thể

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực nếu Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp.

Từ quy định trên có thể có 2 trường hợp:

Nếu Tổ chức/Doanh nghiệp/Hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động do Hợp nhất, sáp nhập, chia tách, liên doanh, liên kết để thành lập Tổ chức/Doanh nghiệp/Hộ kinh doanh mới thì Tổ chức/Doanh nghiệp/Hộ kinh doanh mới sẽ có quyền kế thừa quyền sở hữu Nhãn hiệu và họ có quyền nộp hồ sơ yêu cầu gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu với điều kiện phải có các tài liệu chứng minh việc chuyển dịch quyền sở hữu nhãn hiệu khi sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, liên doanh, liên kết, thành lập pháp nhân mới của cùng chủ sở hữu, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác.

– Ngược lại, Tổ chức/Doanh nghiệp/Hộ kinh doanh: Nếu đã chấm dứt hoạt động hoặc giải thể mà không có tổ chức/Doanh nghiệp khác kế thừa thì Nhãn hiệu sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm Chủ Văn bằng giải thế hoặc không còn hoạt động kinh doanh.

5.5 Có thể  gia hạn hiệu lực nhiều Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu trong một đơn gia hạn không?

Trả lời:

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ giấy chứng nhận Nhãn hiệu có quyền gia hạn hiệu lực nhiều Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong một đơn gia hạn.

Tuy nhiên cần lưu ý: Các Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu mà có các yêu cầu không giống nhau (Gia hạn, cấp lại, sửa đổi..) … thì Chủ Văn bằng bảo hộ phải tách đơn Đăng ký gia hạn hiệu lực cho từng nhãn hiệu.

5.6 Có được gia hạn một phần nhóm sản phẩm dịch vụ?

Trả lời:

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ Giấy chứng nhận được quyền gia hạn một phần nhóm sản phẩm, dịch vụ đang được bảo hộ.

5.7 Có bắt buộc phải nộp bản gốc giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu khi gia hạn hiệu lực có được không?

– Theo quy định khi tiến hành thủ tục gia hạn hiệu lực nhãn hiệu chủ nhãn hiệu không bắt buộc phải nộp kèm bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. trong trường hợp yêu cầu Cục sở hữu trí tuệ ghi nhận thông tin gia hạn trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì phải nộp kèm bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cùng hồ sơ đăng ký gia hạn.


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại TP Hà Nội

Mobile: 0904152023

Email: luatbachminh@gmail.com

Liên hệ qua Zalo

Văn phòng tại TP Hồ Chí Minh

Mobile: 0865 285828

Email: luatbachminh@gmail.com

Liên hệ qua Zalo

Chat với Luật Sư
Chat ngay