Quy trình các bước đăng ký nhãn hiệu

1. Quy trình các bước đăng ký nhãn hiệu

Bước 1: Xác định Nhãn hiệu đăng ký bảo hộ.

Trích Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH ngày 08/07/2022 Hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và các luật sửa đổi bổ sung luật Sở hữu trí tuệ năm 2009; 2019; 2022.

Điều 72. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1.[74] Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;

 Theo Quy định trên, nhãn hiệu đăng ký thể hiện dưới các dạng sau:

– Nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chữ: Có thể là chữ số, chữ cái, chữ đen trắng hoặc chữ màu. Chữ tiếng Việt hoặc chữ Latinh hoặc chữ thuộc các ngôn ngữ khác như chữ Nhật chữ Hàn, chữ Hán. hoặc

– Nhãn hiệu đăng ký là Nhãn hiệu hình: bao gồm hình ảnh, hình vẽ hình ba chiều. hoặc

– Nhãn hiệu đăng ký là các nhãn hiệu chữ kết hợp với nhãn hiệu hình. hoặc

Nhãn hiệu đăng ký là các nhãn hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng đồ hoạ được thể hiện bằng khuông nhạc 5 dòng kẻ

Bước 2: Xác định các hàng hoá, dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu

Thực tế hiện nay nhiều Doanh nghiệp kinh doanh rất nhiều ngành nghề theo hệ thống mã ngành đăng ký kinh doanh và nếu đối chiếu với các hàng hoá dịch vụ theo Bảng phân loại hàng hoá dịch vụ đăng ký nhãn hiệu theo Thoả ước Ni-xơ sẽ có nhiều khác biệt. Do đó việc xác định chính xác được các hàng hoá, dịch vụ cần bảo hộ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định số tiền phí lệ phí đăng ký nhãn hiệu, tăng khả năng được bảo hộ, phạm vi bảo hộ nhãn hiệu và quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu nếu được bảo hộ. Cụ thể:

– Xác định chính xác hàng hoá, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu sẽ hạn chế các khoản phí, lệ phí phải nộp khi đăng ký nhãn hiệu:

Vì các khoản phí lệ phí nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, phí lệ phí cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và lệ phí gia hạn giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được tính trên cở sở các nhóm hàng hoá dịch vụ mà Nhãn hiệu đăng ký và số lượng hàng hoá, dịch vụ trong mỗi nhóm.

– Xác định chính xác hàng hoá, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu sẽ tăng khả năng được cấp văn bằng bảo hộ:

Theo quy định, điều kiện để Nhãn hiệu được bảo hộ ngoài khả năng tự phân biệt thì nhãn hiệu không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu của người khác đã nộp đơn trước hoặc đang được bảo hộ hoặc đã hết hạn hiệu lực nhưng chưa quá 3 năm cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự nhau (hay còn gọi là nhãn hiệu đối chứng), do vậy nếu cố tình đăng ký nhiều sản phẩm, dịch vụ mà Chủ nhãn hiệu thực tế không có nhu cầu sử dụng thì khi thẩm định, đánh giá khả năng bảo hộ sẽ phải kiểm tra nhiều nhãn hiệu đối chứng do đó Nhãn hiệu đối chứng càng nhiều thì khả năng được bảo hộ của Nhãn hiệu đăng ký càng thấp vì bị trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đối chứng.

– Xác định chính xác hàng hoá, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu sẽ xác định rõ ràng phạm vi bảo hộ nhãn hiệu và quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu:

Theo quy định, quyền và nghĩa vụ của Chủ sở hữu nhãn hiệu được xác định trong phạm vi bảo hộ được cơ quan nhà nước ghi nhận trên Văn bằng. Do vậy, việc xác định chính xác hàng hoá dịch vụ bảo hộ và ghi nhận trên Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là căn cứ rõ ràng để xử lý các hành vi xâm phạm quyền của Chủ sở hữu nhãn hiệu.

Bước 3: Tra cứu đánh giá khả năng phân biệt của Nhãn hiệu:

Sau khi xác định được Dấu hiệu cần đăng ký Nhãn hiệu tại Bước 1 và các Danh mục sản phẩm, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu tại Bước 2. Việc nên làm tiếp theo đó là Tra cứu đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu nếu nộp đơn đăng ký. Việc tra cứu có thể tự thực hiện nếu Khách hàng biết về các thuật toán tra cứu nhãn hiệu hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn tra cứu nhãn hiệu của các tổ chức Đại diện sở hữu trí tuệ có kiến thức, kinh nghiệm về đăng ký nhãn hiệu. Cụ thể mục đích của việc tra cứu để biết được các yêu cầu dưới đây:

– Tra cứu để biết Nhãn hiệu dự định đăng ký có thuộc các trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa Nhãn hiệu không?

Trích Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH ngày 08/07/2022 Hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và các luật sửa đổi bổ sung luật Sở hữu trí tuệ năm 2009; 2019; 2022.

Điều 73. Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu

Các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:

1.[75] Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca;

2. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;

3. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;

4. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;

5. Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ;

6.[76] Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có;

7.[77] Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.

– Tra cứu để biết Nhãn hiệu dự định đăng ký có khả năng phân biệt hay không? Ở đây khả năng phân biệt bao gồm:

+ Khả năng tự phân biệt của Nhãn hiệu đăng ký; và

+ Khả năng phân biệt của Nhãn hiệu đăng ký với các nhãn hiệu khác đã nộp đơn hoặc đang được bảo hộ tại Việt Nam hoặc đã hết hiệu lực nhưng chưa quá 3 năm.

+ Khả năng phân biệt của Nhãn hiệu đăng ký với tên Thương mại của người khác;

+ Khả năng phân biệt của Nhãn hiệu đăng ký với các Chỉ dẫn địa lý;

+ Khả năng phân biệt của Nhãn hiệu đăng ký với các Quyền tác giả của người khác và

+ Khả năng phân biệt của Nhãn hiệu đăng ký với các Kiểu dáng công nghiệp của người  khác.

Trích Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH ngày 08/07/2022 Hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và các luật sửa đổi bổ sung luật Sở hữu trí tuệ năm 2009; 2019; 2022.

Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

1. Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a)[78] Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu trước ngày nộp đơn;

b)[79] Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ, tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, hình dạng thông thường của hàng hóa hoặc một phần của hàng hóa, hình dạng thông thường của bao bì hoặc vật chứa hàng hóa đã được sử dụng thường xuyên và thừa nhận rộng rãi trước ngày nộp đơn;

c)[80] Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ hoặc dấu hiệu làm gia tăng giá trị đáng kể cho hàng hóa, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước ngày nộp đơn;

d) Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;

đ)[81] Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu trước ngày nộp đơn hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này;

e)[82] Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trừ trường hợp đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 hoặc bị hủy bỏ hiệu lực theo quy định tại Điều 96 theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật này;

g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;

h)[83] Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác đã được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá ba năm, trừ trường hợp đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật này;

i)[84] Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nhãn hiệu nổi tiếng của người khác trước ngày nộp đơn đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;

k) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

l) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa;

m) Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;

n)[85] Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác đã hoặc đang được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu;

o)[86] Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên giống cây trồng đã hoặc đang được bảo hộ tại Việt Nam nếu dấu hiệu đó đăng ký cho hàng hóa là giống cây trồng cùng loài hoặc thuộc loài tương tự hoặc sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng;

p)[87] Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, hình ảnh của nhân vật, hình tượng trong tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.

 Bước 4: Nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu

Sau khi xác định được Nhãn hiệu đăng ký và danh dịch hàng hoá dịch vụ được phân nhóm chính xác, tra cứu và đánh khá Dấu hiệu có khả năng bảo hộ làm Nhãn hiệu, Khách hàng cần chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu.

Bộ hồ sơ Khách hàng tự nộp đơn Đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

+ Tờ Khai đăng ký nhãn hiệu (Theo Mẫu)

+ Chứng từ nộp phí đăng ký nhãn hiệu

+ 05 Mẫu nhãn hiệu (yêu cầu màu sắc rõ nét, kích thước không quá 8 x 8 cm)

+ Các giấy tờ thể hiện Quyền đăng ký như Bản sao Giấy phép Kinh doanh; Bản sao CCCD;

+ Và một số hồ sơ khác trong các trường hợp đặc biệt như: Quy chế sử dụng Nhãn hiệu tập thể nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể; Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nếu Nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận; File chưa âm thanh dạng .mp3 nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu âm thanh; Ảnh chụp hoặc hình vẽ thể hiện hình phối cảnh và có thể kèm theo mẫu mô tả ở dạng hình chiếu nếu nhãn hiệu đăng ký là hình ba chiều; Tài liệu chứng mình Quyền ưu tiên nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Bộ hồ sơ Khách hàng Ủy quyền cho Luật Bạch Minh làm đại diện bao gồm:

+ File mềm chứa Nhãn hiệu cần đăng ký;

+ Giấy ủy quyền đăng ký nhãn hiệu cho tổ chức đại diện

+ Các giấy tờ thể hiện Quyền đăng ký như Bản sao Giấy phép Kinh doanh; Bản sao CMND;

Bước 5: Nộp lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ

Kết thúc quá trình thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu. Nếu dấu hiệu có khả năng phân biệt Cục SHTT sẽ có Thông báo về dự định cấp Văn bằng bảo hộ và Thông báo nộp lệ phí cấp Văn bằng. Chủ Văn bằng sẽ phải nộp các khoản phí lệ phí theo Thông báo để Cục SHTT cấp Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu.

Ở chiều ngược lại, nếu Nhãn hiệu không có khả năng phân biệt do trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu của người khác. Cục SHTT sẽ ra Thông báo dự định từ chối bảo hộ (toàn bộ hoặc một phần) Nhãn hiệu đối với Toàn bộ hoặc một phần sản phẩm dịch vụ.

2. Quy trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ:

Đơn Đăng ký nhãn hiệu nào được nộp tại Cục SHTT sẽ phải trải qua Quy trình thẩm định đơn như sau:

(1) Thẩm định hình thức đơn đăng ký Nhãn hiệu:

Là việc Cục SHTT kiểm tra tính thống nhất, chính xác của đơn đăng ký như thông tin người nộp đơn, Mô tả nhãn hiệu, phân nhóm, tính phí có chính xác hay không? Thời gian thẩm định là 30 ngày kể từ ngày nộp đơn. Nếu đơn hợp lệ Cục SHTT ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và ngược lại, nếu đơn đăng ký Nhãn hiệu có thiếu sót Cục sẽ ra Thông báo dự định từ chối và yêu cầu khắc phục các thiếu sót đó.

(2) Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu:

Chỉ những đơn Đăng ký nhãn hiệu có Quyết định chấp nhận Đơn hợp lệ về hình thức, sẽ được Cục SHTT công bố trên Công báo SHCN trong thời gian 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ.

(3) Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu:

Đây là bước đánh giá nhãn hiệu có khả năng được Cấp Văn bằng bảo hộ hay không dựa theo  các điều kiện bảo hộ. Nếu Nhãn hiệu đáp ứng đủ điều kiện, nhãn hiệu sẽ có khả năng được bảo hộ Cục SHTT sẽ ra Thông báo Dự định cấp văn bằng bảo hộ và thông báo nộp phí cấp Văn bằng bảo hộ gửi Người nộp đơn, ngược lại nếu Nhãn hiệu không có khả năng bảo hộ Cục SHTT sẽ ra Thông báo Dự định từ chối cấp Văn bằng bảo hộ và nêu rõ lý do căn cứ từ chối.

Thời hạn thẩm định nội dung đơn là 9 tháng kể từ ngày công bố đơn.

(4) Nhận Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu:

Trường hợp Nhãn hiệu được cấp Văn bằng, người nộp đơn phải nộp các khoản phí, lệ phí cấp Văn bằng. Thời gian nhận Văn bằng là sau 2 tháng kể từ ngày nộp phí lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ theo Thông báo của Cục SHTT.

3. Quy trình Tư vấn đăng ký nhãn hiệu tại Luật Bạch Minh

Là Tổ chức Đại diện SHCN, với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn và cung cấp dịch vụ Đăng ký Nhãn hiệu của Quý Khách. Quá trình tiếp nhận tư vấn và đăng ký Nhãn hiệu được chúng tôi thực hiện theo Quy trình 3 bước dưới đây:

Bước 1: Tiếp nhận mẫu Nhãn hiệu và các yêu cầu từ Quý khách

Ngay sau khi tiếp nhận, Chúng tôi sẽ đánh giá khả năng tự bảo hộ của Nhãn hiệu, Phân nhóm Nhãn hiệu, Tra cứu và đánh giá về Khả năng bảo hộ gửi Khách hàng xem xét. Nếu cần chỉnh sửa thay thế, loại bỏ thành phần nào trong Nhãn hiệu để tăng khả năng bảo hộ chúng tôi cũng sẽ thông báo chi tiết đến Khách hàng.

Nếu Nhãn hiệu có khả năng bảo hộ Chúng tôi sẽ gửi Khách hàng báo Phí, lệ phí đăng ký Nhãn hiệu kèm theo Giấy Ủy quyền đại diện.

Bước 2: Đại diện Khách hàng nộp theo theo dõi toàn bộ quá trình xử lý Đơn Đăng ký Nhãn hiệu tại Cục SHTT:

Trên cở sở Văn bản Ủy quyền của Quý Khách, Luật Bạch Minh sẽ lập Tờ khai, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nộp tại Cục SHTT. Luật Bạch Minh sẽ thay mặt Khách hàng theo dõi toàn bộ quá trình xử lý đơn để thông báo kịp thời về tiến độ xử lý đơn cũng như các vấn đề phát sinh cần giải quyết.

Bước 3: Nhận kết quả từ Cục Sở hữu trí tuệ

Kết thúc quá trình xử lý đơn, Cục sẽ ra một trong hai thông báo sau:

+ Thông báo về việc dự định cấp Văn bằng bảo hộ và Thông báo nộp phí lệ phí cấp Văn bằng. Luật Bạch Minh sẽ thay mặt Khách hàng nộp lệ phí và Nhận bản gốc Văn bằng bảo hộ gửi Quý Khách.

+ Thông báo về việc dự định Từ chối cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu. Trường hợp từ chối cấp không có căn cứ Luật Bạch Minh  sẽ phối hợp với Khách hàng xem xét khả năng làm đơn Phản đối dự định từ chối  hoặc Đơn Khiếu nại Quyết định từ chối cấp của Cục SHTT

+ Đặc biệt, sau khi Nhãn hiệu được Cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền, Chúng tôi sẽ Tư vấn cho Quý Khách cách sử dụng và khai thác nhãn hiệu hiệu quả và các biện pháp chống các hành vi xâm phạm quyền.

4. Về Lệ phí đăng ký nhãn hiệu 

Lệ phí đăng ký nhãn hiệu được Quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính

Cách tính phí đăng ký nhãn hiệu 

– Phí đăng ký nhãn hiệu được tính theo từng Đơn đăng ký

– Phí đăng ký nhãn hiệu tính theo số lượng Nhóm SP/DV trong một đơn (Một nhãn hiệu có thể đăng ký nhiều sản phẩm, dịch vụ trong cùng một đơn đăng ký)

– Phí đăng ký nhãn hiệu tính theo số lượng sản phẩm, dịch vụ vượt quá trong mỗi nhóm (trong mỗi Nhóm có thể lựa chọn nhiều sản phẩm, dịch vụ)

Mọi chi tiết xin liên hệ:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Trụ sở chính: Số 26, Ngõ 1/2 Vũ Trọng Khánh – KĐT Mộ Lao, Quận Hà Đông, TP Hà Nội

VPĐD tại TP Hồ Chí Minh: 30/99/21, Lâm Văn Bền, Quận 7, TP Hồ Chí Minh

Điện thoại/Zalo: 0904 152 023 – 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại Hà Nội

Mobile: 0904 152 023

Email: luatbachminh@gmail.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh

Mobile: 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com

Chat với Luật Sư
Chat ngay