Thủ tục Bảo hộ thương hiệu sản phẩm tại Việt Nam

Ngày nay, các Doanh nghiệp sản xuất khi nhắc đến thương hiệu người ta thường nhớ tới Thương hiệu Doanh nghiệp và Thương hiệu của sản phẩm mà doanh nghiệp đó sản xuất kinh doanh. Ví dụ Công ty Unilever Việt Nam ngoài thương hiệu doanh nghiệp là Unilever  thì người tiêu dùng nhớ tới rất nhiều thương hiệu sản phẩm nổi tiếng khác của Công ty Unilever Việt Nam như: OMO cho sản phẩm Bột giặt; Dove và Clear cho các sản phẩm dầu gội, dầu xả và sữa tắm; CloSeup cho sản phẩm kem đánh răng và Comfort cho sản phẩm bột giặt, nước giặt…Như vậy vấn đề đặt ra đó là ngoài việc Đăng ký bảo hộ thương hiệu Doanh nghiệp nói chung thì đối với thương hiệu sản phẩm có cần thiết phải Đăng ký bảo hộ hay không.

1. Lý do nên Đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm

Trước tiên cần hiểu rằng, việc Đăng ký thương hiệu Doanh nghiệp nói chung hay Thương hiệu sản phẩm chính là một trong nhưng biện pháp hữu hiệu nhất để mỗi doanh nghiệp bảo vệ Uy tín của mình và xây dựng niềm tin cho khách hàng qua đó nâng cao giá trị của Doanh nghiệp, giá trị của sản phẩm. Việc bảo hộ thương hiệu sản phẩm sẽ có các lợi ích sau:

– Đối với Doanh nghiệp: Việc Đăng ký bảo hộ thương hiệu đầu tiên có ý nghĩa thể hiệu sự cam kết rõ ràng nhất của Doanh nghiệp đối với người tiêu dùng về chất lượng và nguồn gốc hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Các giấy tờ do cơ quan quản lý Nhà nước cấp cho Doanh nghiệp về bảo hộ thương hiệu sẽ là một bằng chứng quan trọng trong việc giải quyết vấn nạn về hàng giả hàng nhái về Nhãn hiệu hàng hóa hiện nay từ đó nâng cao uy tín của Doanh nghiệp. Hơn thế nữa, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm chính là bảo vệ trọn vẹn quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến việc sáng tạo sản phẩm từ khâu thiết kế Nhãn mác, bao bì và đặt tên sản phẩm.

– Đối với người tiêu dùng: Thông qua thông tin Doanh nghiệp cung cấp về thương hiệu sản phẩm, Người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận biết lựa chọn chính xác thương hiệu của sản phẩm, tránh được tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái.

2. Các hình thức bảo hộ thương hiệu sản phẩm:

Hiện nay, đối với một thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ dưới các hình thức dưới đây:

– Đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm dưới danh nghĩa là Nhãn hiệu hàng hóa:

Ví dụ Minh họa:

Với Mẫu nhãn minh họa nói trên, Doanh nghiệp có thể lựa chọn cụm từ: “IFA” hoặc sử dụng cả Mẫu nhãn sản phẩm để đăng ký làm Nhãn hiệu.

– Đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm dưới danh nghĩa Bảo hộ Kiểu dáng bao bì sản phẩm:

Ví dụ Minh họa về Kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ cho Nhãn sản phẩm

– Đăng ký Bảo hộ bản quyền Tác giả đối với thiết kế Nhãn mác, bao bì sản phẩm dưới hình thức tác phẩm Mỹ thuật ứng dụng:

Với cả 2 mẫu nhãn nói trên, nếu tác giả tự sáng tạo tì có thể Đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm Mỹ thuật ứng ứng – tác phẩm chính là thiết kế Mẫu nhãn sản phẩm

3. Bảo hộ thương hiệu sản phẩm dưới hình thức Đăng ký Nhãn hiệu:

3.1 Mục đích ý nghĩa và lợi ích:

Thực tiễn đã chứng minh Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm là một biệt pháp hiệu quả để chủ sở hữu nhãn hiệu tự bảo vệ Quyền của mình, ngăn chặn các hành vi vi phạm nhãn hiệu như sản xuất hàng giả, hàng nhái về Nhãn hiệu và cá biệt là nếu không đăng ký chủ sở hữu có nguy cơ bị mất Nhãn hiệu do bị người khác đăng ký trước. Thông qua việc Đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu sản phẩm, doanh nghiệp góp phần tạo dựng giá trị Thương hiệu doanh nghiệp.

Về mặt pháp lý, Chỉ sau khi được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền đối với Nhãn hiệu, Chủ sở hữu Nhãn hiệu mới có đầy đủ căn cứ và cơ sở pháp lý thực hiện các quyền sau:

– Quyền độc quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng, chuyển giao chuyển nhượng Nhãn hiệu.

– Được quyền yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm quyền của Người thứ ba thông qua việc sử dụng Nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn;

– Được thực hiện các hoạt động Quảng bá, Maketing giới thiệu sản phẩm mang Nhãn hiệu cho người tiêu dùng.

– Có quyền Phản đối cấp văn bằng bảo hộ cho các Nhãn hiệu đăng ký sau của Bên thứ ba nếu Nhãn hiệu đó trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu đã  được cấp văn bằng bảo hộ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ.

Lợi ích trong quá trình sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa, việc đăng ký Nhãn hiệu sản phẩm sẽ có các lợi ích như

– Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu sản phẩm là căn cứ xuất trình khi các cơ quan Nhà nước (Thanh tra, Quản lý thị trưởng, Hải Quan, Công an) tiến hành kiểm tra, thanh tra hàng hóa;

– Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu sản phẩm là căn cứ Chứng minh Quyền sử dụng Nhãn hiệu là hợp pháp khi bán hàng tại siêu thị/trung tâm thương mại hoặc khi tiến hành Quảng cáo hàng hóa có sử dụng Nhãn hiệu.

3.2 Điều kiện bảo hộ Nhãn hiệu sản phẩm:

Cần lưu ý rằng, không phải mọi dấu hiệu tên gọi của hàng hóa đều có thể được cấp Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu khi nộp đơn đăng ký. Một Nhãn hiệu sản phẩm để được cấp Văn bằng bảo hộ phải đáp ứng 2 điều kiện sau:

– Điều kiện 1: Nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.

– Điều kiện 2: Nhãn hiệu có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

Trên thực tế, có nhiều Nhãn hiệu sản phẩm khi thẩm định nội dung sẽ không đáp ứng điều kiện thứ 2 và Cục Sở hữu trí tuệ từ chối cấp cấp Văn bằng. Về Điều kiện bảo hộ thứ 2 là Nhãn hiệu sản phẩm chỉ được cấp Văn bằng bảo hộ nếu Nhãn hiệu Không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu sản phẩm của người khác (đã được cấp văn bằng hoặc có ngày nộp đơn đăng ký trước hoặc Nhãn hiệu đã hết hiệu lực chưa quá 5 năm) cho cùng một hàng hóa, dịch vụ hoặc cho các hàng hóa dịch vụ tương tự nhau.

3.3 Hồ sơ Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm:

Để đăng ký Nhãn hiệu, Người nộp đơn cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm:

– 02 tờ khai Đăng ký nhãn hiệu theo Mẫu:

– 05 Mẫu nhãn sản phẩm kèm theo 02 mẫu nhãn in hoặc dán trên tờ khai

– Chứng từ nộp phí và lệ phí đăng ký Nhãn hiệu;

– Bản sao Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh hoặc CMND hay CCCD đối với cá nhân đăng ký nhãn hiệu.

– Giấy ủy quyền Đại diện nếu nộp đơn thông qua Tổ chức Đại diện Sở hữu Công nghiệp.

3.4 Cách thức nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu sản phẩm:

Đơn Đăng ký Nhãn hiệu sản phẩm có thể được nộp theo các hình thức sau:

– Nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hà Nội hoặc các Văn phòng Đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng;

– Nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu theo hình thức trực tuyến tại trang dịch vụ Công trực tuyến http://dvctt.noip.gov.vn  của Cục Sở hữu trí tuệ

– Nộp hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu sản phẩm qua hệ thống Bưu điện.

3.5 Quy trình thẩm định đơn Đăng ký Nhãn hiệu sản phẩm:

Sau khi tiếp nhận Đơn đăng ký Nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ theo trình tự các bước dưới đây:

Bước 1: Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm:

Là việc kiểm tra đánh giá về hình thức đơn có phù hợp hay không như: Đơn có được làm theo Mẫu hay không? Nhãn hiệu theo đơn đăng ký có thuộc các trường hợp pháp luật cấm hay không? Phân nhóm và tính phí lệ phí có chính xác hay không? Các thông tin của chủ đơn có thống nhất hay không?.

Thời gian thẩm định hình thức là 30 ngày kể từ ngày nộp đơn. Kết thúc thời gian thẩm định hình thức, tùy tình trạng Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra các Văn bản sau:

+ Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ: Nếu đơn đáp ứng các yêu cầu về hình thức  hoặc

+ Thông báo dự định từ chối, nếu đơn đăng ký nhãn hiệu còn có thiếu sót như Mô tả không đúng, không đầy đủ nhãn hiệu, phân nhóm sản phẩm sai, tính phí sai, thông tin của Chủ đơn không đảm bảo tính thống nhất. Căn cứ vào Thông báo Người nộp đơn cần sửa chữa khắc phục các thiếu sót đó và nộp cho Cục sở hữu trí tuệ để Cục thẩm định hình thức.

Bước 2: Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm:

Công bố đơn là việc Đăng tải công khai các thông tin liên quan đến Đơn Đăng ký Nhãn hiệu trên Công báo sở hữu công nghiệp để mọi người có thể tìm kiếm thông tin. Chỉ có các Đơn Đăng ký Nhãn hiệu được Chấp nhận hợp lệ về hình thức mới được Công bố đơn.

Thời gian công bố đăng tải thông tin trên Công báo sở hữu công nghiệp là 2 tháng. Kể từ thời điểm công bố bên thứ ba sẽ biết được thông tin về đơn đăng ký nhãn hiệu và có quyền có ý kiến phản đối cấp Văn bằng bảo hộ đối với Nhãn hiệu gửi Cục Sở hữ trí tuệ xem xét.

Bước 3: Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm:

Đây chính giai đoạn mà Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét đánh giá Nhãn hiệu sản phẩm trong Đơn Đăng ký có đáp ứng điều kiện bảo hộ hay không. Thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu là 9 tháng kể từ ngày công bố đơn.

Kết thúc giai đoạn Thẩm định nội dung, tùy từng trường hợp cụ thể Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có một trong các thông báo sau:

+ Nếu Nhãn hiệu đâp ứng các điều kiện bảo hộ: Thông báo Dự định cấp văn bằng bảo hộ và Đề nghị Người nộp đơn nộp phí cấp Văn bằng bản hộ hoặc

+ Nếu Nhãn hiệu không đáp ứng điều kiện bảo hộ: Thông báo Dự định từ chối cấp Văn bằng bảo hộ. Người nộp đơn có quyền có ý kiến phản đối bằng văn bản gửi Cục sở hữu trí tuệ xem xét dự định từ chối và thực hiện quyền khiếu nại sau khi Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định từ chối cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Bước 4: Nhận Giấy chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu:

Đối với các Đơn đăng ký Nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ có thông báo dự định cấp Văn bằng, sau khoảng thời gian từ 2-3 tháng kể từ ngày Người nộp đơn nộp đủ phí lệ phí cấp Văn bằng theo Thông báo, Cục Sở hữu trí sẽ cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu cho người nộp đơn. Kể từ thời điểm Nhãn hiệu được cấp Văn bằng, Người nộp đơn chính thức trở thành Chủ sở hữu nhãn hiệu.

3.6 Phạm vi và Thời gian bảo hộ Nhãn hiệu sản phẩm:

Giấy chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Giấy chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

4. Bảo hộ thương hiệu sản phẩm dưới hình thức Đăng ký Kiểu dáng bao bì:

4.1 Lợi ích của việc Đăng ký bảo hộ Kiểu dáng bao bì sản phẩm:

Song song với việc Đăng ký nhãn hiệu nói trên, đối với các bao bì sản phẩm có thiết kế  độc đáo, ấn tượng về hình thức, đường nét, hình khối, màu sắc thì việc doanh nghiệp nên lựa chọn đăng ký bảo hộ độc quyền kiểu dáng Công nghiệp đối với Nhãn sản phẩm là một tối ưu.

Về lợi ích của việc Đăng ký bảo hộ kiểu dáng Công nghiệp: Tương tự như đăng ký Nhãn hiệu, sau khi được cấp bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp cho Bao bì, nhãn mác sản phẩm, Chủ sở hữu Bằng độc quyền Kiểu dáng Công nghiệp sẽ có các quyền sau:

– Quyền độc quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng, chuyển giao chuyển nhượng Kiểu dáng Công nghiệp.

– Được quyền yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm quyền của Người thứ ba thông qua việc sử dụng Kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn;

– Được thực hiện các hoạt động Quảng bá, Maketing giới thiệu sản phẩm mang Kiểu dáng Công nghiệp cho người tiêu dùng.

4.2 Điều kiện bảo hộ Kiểu dáng bao bì sản phẩm:

Một Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

(i) Điều kiện về tính mới: Theo đó một Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên. Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.

(ii) Điều kiện về Tính sáng tạo: theo đó một kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

(iii) Điều kiện về khả năng áp dụng công nghiệp: Một kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

4.3 Hồ sơ Đăng ký Kiểu dáng bao bì sản phẩm:

– Tờ khai đăng ký KDCN theo mẫu

–  Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ kiểu dáng bao bì sản phẩm (05 bộ);

+ Bản mô tả Kiểu dáng bao bì sản phẩm;

+ Chứng từ nộp phí, lệ phí;

+ Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua tổ chức Đại diện sở hữu Công nghiệp

+ Tài liệu chứng minh khác: Như chứng minh quyền Đăng ký, Chứng minh quyền ưu tiên.

4.4 Thủ tục và quy trình thẩm định đơn Đăng ký Kiểu dáng công nghiệp:

Về thủ tục, cách thức nộp hồ sơ và quy trình các bước thẩm định đơn Đăng ký Kiểu dáng bao bì sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ xử lý tương tự như đơn Đăng ký Nhãn hiệu.

4.5 Phạm vi và thời gian bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:

– Văn bằng độc quyền kiểu dáng Công nghiệp có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

– Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn. Bằng độc quyền cũng có thể gia hạn 02 lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.

Như vậy, tổng thời gian bảo hộ tối đa bằng độc quyền kiểu dáng Công nghiệp kể cả gia hạn không quá 15 năm kể từ ngày nộp đơn.

5. Bảo hộ thương hiệu sản phẩm dưới hình thức Đăng ký Bản quyền tác giả:

Ngoài việc đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu sản phẩm, Đăng ký kiểu dáng bao bì sản phẩm, với các thiết kế không đáp ứng các điều kiện bảo hộ kiểu dáng Công nghiệp thì Doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức Đăng ký Bản quyền Tác giả đối với bản thiết kế bao bì sản phẩm

5.1 Mục đích ý nghĩa và lợi ích của việc đăng ký:

Mẫu mã bao bì sản phẩm là một trong những yếu tố đầu tiên kích thích thị giác người tiêu dùng tìm đến sản phẩm. Do vậy trước khi sản xuất các Doanh nghiệp thường tốn rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ và tiền của trong việc nghiên cứu, sáng tạo và thiết kế để tạo ra các mẫu mã bao bì sản phẩm. Vì vậy ngay khi Doanh nghiệp Công bố công khai mẫu mã ra công chúng thì nên Doanh nghiệp nên lựa chọn hình thức Đăng ký bảo hộ quyền tác giả để ghi nhận Tác giả và chủ sở hữu tác phẩm thiết kế bao bì sản phẩm dưới hình thức tác phẩm Mỹ thuật ứng dụng.

Khác với phạm vi bảo hộ Nhãn hiệu, khi đăng ký Quyền tác giả, Tác giả và Chủ sở hữu tác phẩm được bảo vệ các Quyền Nhân thân và Quyền Tài sản. Về quyền nhân thân, ngoài quyền đứng tên tác phẩm thì tác giải được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Đối với Quyền tài sản đối với thiết kế bao bì sản phẩm  là quyền sao chép tác phẩm, phân phối và nhập khẩu bản gốc bản sao tác phẩm…

5.2 Điều kiện bảo hộ Quyền tác giả:

Để được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm thiết kế bao bì sản phẩm yêu cầu Bao bì sản phẩm đó phải do chính tác giả thiết kế, sáng tạo mà không được sao chép, coppy từ tác phẩm của người khác. Tác phẩm thiết kế bao bì đó phải được Công bố lần đầu tại Việt nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác.

5.3 Hồ sơ Đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Hồ sơ đăng ký Bản quyền tá giả đối với tác phẩm thiết kế bao bì sản phẩm được lập thành 01 bộ bao gồm:

– Tờ khai Đăng ký quyền tác giả theo Mẫu

Yêu cầu: Các Thông tin trên tờ khai như: Thông tin tác giả/đồng tác giả, thông tin chủ sở hữu tác phẩm, tên tác phẩm, tóm tắt nội dung tác phẩm, ngày công bố tác phẩm, hình thức công bố tác phẩm

– 02 bản in màu Tác phẩm thiết kế Bao bì sản phẩm đóng dấu treo;

– Bản cam đoan về việc thiết kế sáng tạo tác phẩm của tác giả;

– Quyết định giao việc hoặc Hợp đồng thuê thiết kế  bao bì sản phẩm trong trường hợp tác giả sáng tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ của Công ty hoặc theo Hợp đồng với Chủ sở hữu tác phẩm;

– Giấy phép kinh doanh nếu Chủ sở hữu tác phẩm là Tổ chức;

– Bản tuyên bố Quyền tác giả của Chủ sở hữu tác phẩm;

– Giấy ủy quyền cho tổ chức có Chức năng Đại diện Quyền tác giả;

– Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của tác giả;

5.4 Cách thức nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Bước 1: Đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ trực tuyến:

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người đăng ký sẽ trực tiếp vào trang Dịch vụ công trực tuyến quốc gia tại trang: https://dichvucong.gov.vn/ để đăng ký tài khoản.

Sau khi hoàn tất thủ tục Đăng ký, người đăng ký khai và tải hồ sơ để lấy Mã tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả trên hệ thống dịch vụ Công trực tuyến.

Bước 2: Nộp hồ sơ Bản giấy tại Cục Bản quyền tác giả:

Sau khi hoàn tất thủ tục nộp trực tuyến, Doanh nghiệp hoặc Tác giả trực tiếp nội hồ sơ bản giấy kèm theo bản in Mã tiếp nhận hồ sơ nộp trực tuyến đến Cục Bản quyền tác giả. Tác giả/Doanh nghiệp cũng có gửi hồ sơ qua đường Bưu điện đến Cục bản quyền tác giả có địa chỉ tại Hà Nội hoặc các Văn phòng Đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc thành phố Đà Nẵng.

5.5 Thủ tục Đăng ký bảo hộ quyền tác giả:

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Cục Bản quyền tác giả sẽ kiểm tra thông tin trên hồ sơ, thông tin về tác phẩm thiết kế bao bì. Nếu hồ sơ hợp lệ và không có sai sót trong thời gian 15 ngày làm việc Cục Bản quyền sẽ cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm thiết kế bao bì sản phẩm.

Trước khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký Bản quyền tác giả, Tác giả, Chủ sở hữu tác phẩm phải nộp Lệ phí Đăng ký bản quyền tác giả theo mức thu phí được quy định tại Thông tư 211/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

5.6 Thời gian bảo hộ quyền tác giả đối với thiết kế bao bì sản phẩm:

– Thời hạn bảo hộ Quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm thiết kế bao bì sản phẩm là vô thời hạn.

– Thời hạn bảo hộ Quyền tài sản của Tác giả, Chủ sở hữu tác phẩm Mỹ thuật ứng dụng  có thời hạn bảo hộ là 70 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.

6. Dịch vụ tư vấn bảo hộ thương hiệu sản phẩm

Bài viết này chúng tôi đã phân tích lợi ích của việc Đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm, nên rõ các hình thức mà Doanh nghiệp có thể lựa chọn để Đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm một cách tối ưu, toàn diện. Là một trong các tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn đăng ký Nhãn hiệu, Đăng ký kiểu dáng bao bì sản phẩm và Đăng ký Bản quyền chúng tôi đã tư vấn và đăng ký thành công rất nhiều Nhãn hiệu cho nhiều khách hàng. Luật  Bạch Minh cung cấp dịch vụ trọn gói từ khâu thiết kế, tư vấn và tiến hành Đăng ký bảo hộ thương hiệu của Doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm một cách nhanh, hiệu quả và chính xác.

Mọi yêu cầu tư vấn về Đăng ký Nhãn hiệu sản phẩm xin liên hệ

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Email: luatbachminh@gmail.com

Điện thoại tư vấn: 0904 152 023 hoặc 0865 28 58 28


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại Hà Nội

Mobile: 0904 152 023

Email: luatbachminh@gmail.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh

Mobile: 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com

Chat với Luật Sư
Chat ngay