Cũng giống như những đối tượng tài sản khác, Chủ sở hữu các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp, Nhãn hiệu..có quyền khai thác sử dụng và cho phép người khác sử dụng các đối tượng trong thời hạn bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Vậy nên, nếu cá nhân, tổ chức khác muốn sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó thì phải được sự cho phép của Chủ sở hữu bằng hình thức chuyển quyền sử dụng thông qua việc ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng. Thông qua Hợp đồng Chủ sở hữu có thể thu được một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất mà không phải trực tiếp sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Có thể nói, đây là hình thức mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho Chủ sở hữu, người được chuyển quyền sử dụng và toàn xã hội. Vậy quy định pháp luật về vấn đề này như thế nào, hãy cùng Luật Bạch Minh tìm hiểu về chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trong bài viết này.
Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sở hữu của mình.
Đối tượng sở hữu công nghiệp ở đây có thể là: Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp, Nhãn hiệu hoặc Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
Người độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là: Chủ sở hữu công nghiệp hoặc là bên nhận Li-xăng độc quyền (là người được Chủ sở hữu chuyển giao độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp).
Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (Gọi là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp).
1. Những hạn chế về việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp:
– Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao;
– Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó;
– Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép;
– Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu;
– Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế theo quy định pháp luật.
2. Các dạng hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có thể phân chia theo các tiêu chí khác nhau, cụ thể như sau:
– Hợp đồng độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;
– Hợp đồng không độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác;
– Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp: là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác.
3. Nội dung hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
3.1 Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Tên và địa chỉ đầy đủ các bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
+ Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;
+ Dạng hợp đồng;
+ Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
+ Thời hạn hợp đồng;
+ Giá chuyển giao quyền sử dụng;
+ Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
3.2 Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền sau đây:
– Cấm bên được chuyển quyền cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp, trừ nhãn hiệu; buộc bên được chuyển quyền phải chuyển giao miễn phí cho bên chuyển quyền các cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp do bên được chuyển quyền tạo ra hoặc quyền đăng ký sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu công nghiệp đối với các cải tiến đó;
– Trực tiếp hoặc gián tiến hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sang các vùng lãnh thổi không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hóa đó;
– Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp;
– Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu công nghiệp hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền.
4. Hiệu lực hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
– Hợp đồng sử dụng đối tượng là Nhãn hiệu thì không bắt buộc phải đăng ký. Đối với Hợp đồng chuyển quyền sử dụng các đối tượng Sở hữu công nghiệp còn lại như (Sáng chế, Giải pháp hữu ích, Kiểu dáng công nghiệp) phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp mới có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba.
– Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp của bên giao bị chấm dứt.
Mọi thông tin xin liên hệ
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH
Trụ sở chính: Số 26, Ngõ 1/2 Vũ Trọng Khánh – KĐT Mộ Lao, Quận Hà Đông, TP Hà Nội
VPĐD tại TP Hồ Chí Minh: 30/99/21, Lâm Văn Bền, Quận 7, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại/Zalo: 0904 152 023 – 0865.28.58.28
Hoặc Quý khách gửi yêu cầu tư vấn qua Email: luatbachminh@gmail.com