Giấy phép quảng cáo ngoài trời

1. Bảng biển Quảng cáo ngoài trời cần phải xin những giấy phép gì?

Theo quy định của pháp luật, các Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn quảng cáo ngoài trời phải tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng; không được chăng ngang qua đường giao thông và phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Vậy việc quảng cáo ngoài trời có phải xin giấy phép không? Nếu có thì đó là các loại giấy phép gì?

– Thứ nhất: Các Bảng, Biển, Pano, Hộp đèn, Băng rôn quảng cáo ngoài trời trước khi lắp đặt phải được sự đồng ý chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương (Quy định này không áp dụng với biển hiệu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gắn tại trụ sở);

– Thứ hai: Ngoài việc xin Văn bản chấp thuận nói trên, trong trường hợp các Bảng, Biển, Pano, Hộp đèn, Băng rôn quảng cáo ngoài trời nhằm mục đích Quảng cáo các Hàng hóa, Dịch vụ đặc biệt thì người quảng cáo phải có thêm Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành;

– Thứ ba: Việc xây dựng các màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin Giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương trong các trường hợp sau:

+ Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 mét vuông (m2) trở lên; hoặc

+ Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn;

+ Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 mét vuông (m­2) trở lên.

Như vậy, tùy thuộc vào kích thước bảng biển quảng cáo, nội dung thể hiện bên trong Bảng biển quảng cáo ngoài trời nhằm quảng cáo cái gì? thì người quảng cáo cần xin các giấy phép nói trên.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Bạch Minh sẽ hướng dẫn hồ sơ, thủ tục xin Văn bản chấp thuận bảng biển quảng cáo ngoài trời của cơ quan có thẩm quyền.

2. Phân biệt Giấy phép quảng cáo ngoài trời với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo:

Thực tế không ít trường hợp Người quảng cáo thường nhầm lẫn giữa Văn bản chấp thuận bảng biển quảng cáo ngoài trời và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo là một loại. Nhưng thực tế cho dù đây đều là các Văn bản của cơ quan quản lý nhà nước nhưng giữa hai giấy phép này có nội dung, đối tượng và bản chất hoàn toàn khác nhau theo bảng so sánh dưới đây:

BẢNG SO SÁNH  GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI VỚI

GIẤY XÁC NHẬN NỘI DUNG QUẢNG CÁO

Tiêu chí phân biệt Văn bản chấp thuận bảng biển quảng cáo ngoài trời có tên đầy đủ là Văn bản chấp thuận sản phẩm quảng cáo Giấy xác nhận nội dung quảng cáo
Về Bản chất Là sự Chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương đồng ý cho Người quảng cáo được treo bảng biển quảng cáo tại một hoặc một số địa điểm cụ thể với nội dung, hình thức thể hiện, kích thước, chất liệu và thời hạn được treo bảng biển quảng cáo Là sự xác nhận về nội dung thể hiện ở bên trong Bảng biển quảng cáo của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến các hàng hóa/dịch vụ đặc biệt.
Về đối tượng phải xin giấy phép Ngoại trừ biển hiệu của Tổ chức/Doanh nghiệp gắn tại trụ sở, mọi biển, bảng quảng cáo ngoài trời phải xin Văn bản chấp thuận sản phẩm quảng cáo. Chỉ các hàng hóa/dịch vụ đặc biệt theo quy định của Luật Quảng cáo mới phải xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo như: Thuốc, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Mỹ phẩm; Dịch vụ khám chữa bệnh, Chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng..
Cơ quan cấp phép Sở Văn hóa thể thao nơi treo, đặt bảng biển quảng cáo ngoài trời có thẩm quyền chấp thuận sản phẩm quảng cáo ngoài trời của đơn vị quảng cáo. Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được cấp bởi cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến các hàng hóa/dịch vụ đặc biệt.

Cục Quản lý dược – Cấp Giấy XNND quảng cáo Thuốc; Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy XNND quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Sở Y tế nơi đặt trụ sở của đơn vị đứng tên Công bố Mỹ phẩm cấp Giấy XNND Mỹ phẩm; Cục Môi trường y tế cấp Giấy XNND Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn……

Phạm vi hiệu lực Văn bản chấp thuận sản phẩm quảng cáo có hiệu lực trong phạm vi một tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương Giấy xác nhận nội dung quảng cá có hiệu lực trong phạm vi toàn quốc
Thời gian hiệu lực của giấy phép Văn bản chấp thuận sản phẩm quảng cáo sẽ ghi thời gian người quảng cáo được treo Bảng biển quảng cáo và thông thường là thời hạn dưới 1 năm Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sẽ không ghi thời hạn mà thời hạn giấy phép phụ thuộc vào: Thời gian hiệu lực của Đăng ký công bố, Đăng ký lưu hành sản phẩm quảng cáo; Thời hạn hoạt động trên Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh

Qua Bảng so sánh trên đây, các bạn có thể thấy sự khác biệt cơ bản giữa Văn bản chấp thuận bảng biển quảng cáo ngoài trời với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

3. Biển hiệu tổ chức, doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh có phải xin Giấy phép quảng cáo ngoài trời không:

Hiện nay, các yêu cầu về nội dung, chữ viết, kích cỡ biển hiệu và nghĩa vụ gắn Biển hiệu tại trụ sở tổ chức, doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh được quy định bởi Luật Doanh nghiệp và Luật Quảng cáo năm 2012. Cụ thể:

Theo Quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Tên Doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, Chi nhánh, Văn phòng đại diện, Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Quy định của Luật Quảng cáo năm 2012, quy định việc đặt biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng. Nội dung, chữ viết và kích thước biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật quảng cáo và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Cụ thể:

Trích Luật Quảng cáo năm 2012

Điều 34. Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh

1. Biển hiệu phải có các nội dung sau:

a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);

b) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Địa chỉ, điện thoại.

2. Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của Luật này.

3. Kích thước biển hiệu được quy định như sau:

a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;

b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

4. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

5. Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Điều 18. Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo

1. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:

a) Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;

b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.

2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.

Cũng theo Nghị định 103/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng quy định về Biển hiệu như sau:

Trích Nghị định 103/2009 của Chính phủ

Điều 22. Các hình thức biển hiệu

Việc viết, đặt, treo, dán, dựng, lắp biển hiệu, sau đây gọi chung là viết, đặt biển hiệu, tại trụ sở, nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân dưới các hình thức bảng, biển, hộp đèn, hệ thống đèn néon uốn chữ (neonsight) hoặc các hình thức khác, nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam không phải xin phép nhưng phải tuân theo những quy định tại Điều 23 Quy chế này.

Điều 23. Mỹ quan, chữ viết, vị trí và nội dung biển hiệu

1. Mỹ quan, chữ viết biển hiệu:

a) Biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan;

b) Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.

2. Vị trí biển hiệu:

Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân; mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng; tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.

3. Nội dung biển hiệu:

a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);

b) Tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã;

d) Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ);

đ) Địa chỉ giao dịch, số điện thoại (nếu có);

e) Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào.

Như vậy, việc gắn biển hiệu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại trụ sở, tai cửa hàng hộ kinh doanh phải tuân thủ các quy định về nội dung, chữ viết và kích thước được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quảng cáo và không phải xin giấy phép đặt biển quảng cáo ngoài trời.

4. Hồ sơ xin Giấy phép quảng cáo ngoài trời:

– Văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo (theo Mẫu số 5 ban hành Phụ lục kèm theo Thông tư số 10/2013/TT-BVHTDL ngày 06/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Yêu cầu ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn.

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo.

– Bản sao giấy tờ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ nếu Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo trong trường hợp nội dung Bảng, biển nhằm Quảng cáo các hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như:

+ Quảng cáo thuốc (Thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật) phải có: Giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam đang còn hiệu lực và Tờ hướng dẫn sử dụng và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuôc do Bộ Y tế phê duyệt.

+ Quảng cáo Mỹ phẩm phải có: Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được Sở y tế phê duyệt.

+ Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có: Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng do Bộ Y tế phê duyệt.

+ Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ (không thuộccác trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Khoản 4 Điều 7 của Luật Quảng cáo) phải có: Giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành;

+ Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;

+ Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của Bệnh viện/Phòng khám phải có: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Bệnh viện/Phòng Khám và danh mục kỹ thuật chuyên môn khám bệnh chữa bệnh mà Bệnh viện/Phòng Khám được Bộ y tế hoặc Sở Y tế phê duyệt; Chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện/Phòng khám; Giấy xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ Khám chữa bệnh do Bộ y tế hoặc Sở y tế phê duyệt và xác nhận.

+ Quảng cáo thiết bị y tế phải có: Giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu và đã đăng tải công khai nội dung và hình thức quảng cáo trên trang dịch vụ công về quản lý thiết bị y tế của Bộ y tế theo Quy định.

+ Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có: Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc Bảo vệ thực vật do cơ quan quản lý thuốc bảo vệ thực vật – Bộ y tế phê duyệt và xác nhận.

+ Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có: Giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;

+ Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có: Giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc thú y do cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

+ Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có: Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo phân bón do cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

– Bản sao văn bản về việc tổ chức sự kiện của đơn vị tổ chức trong trường hợp quảng cáo cho sự kiện, chính sách xã hội.

– Ma-két sản phẩm quảng cáo in mầu có chữ ký của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc chữ ký của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo. Trong trường hợp người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người quảng cáo là tổ chức thì phải có dấu của tổ chức.

– Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo; quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn.

– Bản phối cảnh vị trí đặt bảng, biển quảng cáo.

– Bản sao Giấy phép xây dựng công trình quảng cáo đối với loại bảng quảng cáo phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật quảng cáo.

– Văn bản chứng minh quyền sử dụng hình ảnh logo/Nhãn hiệu/Thương hiệu nếu trên bảng, biển quảng cáo có hình ảnh Logo/Nhãn hiệu như: Giấy chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu; Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền đối với hình ảnh logo

– Văn bản chứng minh quyền sử dụng hình ảnh nhân vật nếu trên Bảng, biển quảng cáo có hình ảnh nhân vật như: Hợp đồng/Thỏa thuận về việc cho thuê hình ảnh quảng cáo; Hợp đồng thuê diễn viên…

– Tài liệu chứng minh theo quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BVHTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nếu Bảng biển Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự như:

+ Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường;

+ Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự.

5. Thủ tục xin Giấy phép quảng cáo ngoài trời

Thủ tục xin giấy phép quảng cáo ngoài trời được thực hiện theo Quy định tại Luật Quảng cáo năm 2012 và Thông tư số 10/2013/TT-BVHTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời của Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương ban hành. Theo các bước sau:

Bước 1Trước khi thực hiện quảng cáo, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến Sở Văn hóa và Thể thao nơi dự kiến thực hiện quảng cáo.

Bước 2Sở Văn hóa và Thể thao tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ và đầy đủ theo quy định thì cấp Biên nhận hồ sơ có ghi rõ thời gian tiếp nhận và thời gian hẹn trả kết quả trao cho người nộp; hoặc

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, Cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn bằng văn bản cho người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Bước 3: Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được ghi trong sổ tiếp nhận hồ sơ, Sở Văn hóa và Thể thao có ý kiến trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân thông báo sản phẩm quảng cáo. Trong trường hợp không đồng ý với các nội dung trong hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của tổ chức, cá nhân, Sở Văn hóa và Thể thao phải trả lời, nêu rõ lý do và yêu cầu nội dung cần chỉnh sửa.

Mẫu Giấy phép quảng cáo ngoài trời
Mẫu Giấy phép quảng cáo ngoài trời

6. Các công trình quảng cáo ngoài trời phải xin Giấy phép xây dựng

6.1 Các công trình quảng cáo phải xin Giấy phép xây dựng:

Theo quy định của Luật quảng cáo việc xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương trong những trường hợp sau đây:

+ Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 mét vuông (m2) trở lên; hoặc

+ Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn;

+ Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 mét vuông (m­2) trở lên.

6.2 Hồ sơ xin giấy phép xây dựng công trình quảng cáo ngoài trời:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;

– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;

– Bản sao có chứng thực một trong những loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với công trình quảng cáo đứng độc lập; hợp đồng thuê địa điểm giữa chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp pháp đối với công trình quảng cáo gắn với công trình xây dựng có sẵn hoặc văn bản thông báo kết quả trúng thầu đối với trường hợp địa điểm quảng cáo trong quy hoạch phải tổ chức đấu thầu;

– Trường hợp công trình quảng cáo gắn với công trình đã có trước phải có văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc người được giao quyền quản lý công trình đã có trước;

– Bản vẽ thiết kế của tổ chức thiết kế hợp pháp thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo. Trường hợp công trình quảng cáo gắn vào công trình đã có trước thì bản vẽ thiết kế phải thể hiện được giải pháp liên kết công trình quảng cáo vào công trình đã có trước.

6.3 Thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo ngoài trời:

– Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương;

– Trường hợp địa điểm quảng cáo nằm trong quy hoạch quảng cáo đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không cấp giấy phép, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

– Trường hợp địa phương chưa phê duyệt quy hoạch quảng cáo, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương gửi văn bản xin ý kiến các sở, ban, ngành liên quan. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương, các sở, ban, ngành nêu trên phải có ý kiến trả lời bằng văn bản gửi cho cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương. Trong thời hạn 13 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến của các sở, ban, ngành nêu trên, cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương phải cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không cấp giấy phép, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

7. Dịch vụ xin giấy phép quảng cáo ngoài trời của Luật Bạch Minh

Liên quan đến việc xin giấy phép quảng cáo ngoài trời, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn xin các loại Giấy phép quảng cáo, Luật Bạch Minh sẽ tư vấn và giải đáp các thắc mắc liên quan đến các quy định của pháp luật về việc cấp Giấy phép quảng cáo ngoài trời cho khách hàng. Cụ thể:

– Tư vấn và giải đáp pháp luật về các trường hợp phải xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; Văn bản chấp thuận quảng cáo ngoài trời và Giấy phép xây dựng công trình quảng cáo ngoài trời;

– Tư vấn về hồ sơ, thủ tục và thẩm quyền cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; Văn bản chấp thuận quảng cáo ngoài trời và Giấy phép xây dựng công trình quảng cáo ngoài trời;

– Tư vấn về nội dung, chữ viết, cách bố trí nội dung Maket quảng cáo ngoài trời;

– Tư vấn và hỗ trợ hoàn thiện các Hợp đồng có liên quan đến quảng cáo ngoài trời được ký bởi Khách hàng với các đối tác như các giữa Khách hàng với Đơn vị thực hiện quảng cáo và giữa Khách hàng với Đơn vị thiết kế/ Thi công bảng biển quảng cáo ngoài trời.

– Dịch vụ tư vấn, soạn thảo hồ sơ xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; xin Văn bản chấp thuận quảng cáo ngoài trời và xin Giấy phép xây dựng công trình quảng cáo ngoài trời;

– Thừa Uỷ quyền của Khách hàng liên hệ các cơ quan liên quan xin cấp xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; Văn bản chấp thuận quảng cáo ngoài trời và Giấy phép xây dựng công trình quảng cáo ngoài trời.

Mọi yêu cầu Tư vấn – Xin Giấy phép quảng cáo xin liên hệ:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Trụ sở chính: Số 26, Ngõ 1/2 Vũ Trọng Khánh – KĐT Mộ Lao, Quận Hà Đông, TP Hà Nội

VPĐD tại TP Hồ Chí Minh: 30/99/21, Lâm Văn Bền, Quận 7, TP Hồ Chí Minh

Điện thoại/Zalo: 0904 152 023 – 0865.28.58.28

Hoặc Quý khách gửi yêu cầu tư vấn qua Emailluatbachminh@gmail.com

8. Các câu hỏi liên quan đến Giấy phép quảng cáo ngoài trời

8.1 Xin Một giấy phép quảng cáo ngoài trời cho nhiều địa điểm quảng cáo được không?

Hỏi?

Công ty tôi đang có kế hoạch quảng cáo ngoài trời bằng Pano tại nhiều địa điểm khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam. Đề nghị Luật Bạch Minh giải đáp cho chúng tôi biết trong trường hợp này công ty tôi chỉ cần xin một Giấy phép quảng cáo cho toàn bộ các địa điểm đặt biển quảng cáo hay mỗi một địa điểm tôi phải xin một giấy phép? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Căn cứ vào Luật Quảng cáo năm 2012 và Thông tư số 10/2013/TT-BVHTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn (Quảng cáo ngoài trời).

Như vậy, các bảng, biển, Pano quảng cáo đặt tại địa bàn tỉnh/thành nào thì bạn phải lập hồ sơ xin Văn bản chấp thuận sản phẩm quảng cáo Bảng/biển/Pano tại tỉnh đó.

Trường hợp nếu trong một tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương mà bạn có nhiều điểm treo Bảng/Biển/Pano quảng cáo có nội dung giống nhau (Giống về nội dung, hình thức thể hiện, kích thước, thời gian thực hiện) thì chỉ cần xin một Văn bản chấp thuận sản phẩm quảng cáo cho các địa điểm trong phạm vi một Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương.

8.2 Gắn biển quảng cáo tại Nhà riêng có phải xin giấy phép quảng cáo ngoài trời không?

Hỏi?

Gia đình tôi đang có kế hoạch cho một đơn vị bên ngoài thuê đặt biển quảng cáo cho hàng hóa của họ, vị trí đặt biển là mặt trước tầng 1 ngôi nhà của gia đình tôi. Xin hỏi VPLS Bạch Minh là tôi hay đơn vị thuê quảng cáo có phải xin giấy phép quảng cáo ngoài trời hay không? Xin cảm ơn!.

Trả lời!

Bạn cung cấp chưa đầy đủ thông tin về kích thước và chất liệu Bảng, biển quảng cáo mà họ dự kiến đặt tại nhà bạn. Như vậy Luật sư sẽ đưa ra các tình huống sau:

– Nếu có việc xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn thì Bạn hoặc Đơn vị thực hiện quảng cáo phải xin Giấy phép xây dựng bảng/biển quảng cáo ngoài trời tại Cơ quan quản lý xây dựng của địa phương; sau đó, đơn vị thực hiện quảng cáo phải lập hồ sơ xin Văn bản chấp thuận sản phẩm quảng cáo tại vị trí nhà bạn tại Sở Văn hóa thể thao và du lịch;

 – Trường hợp nếu Bảng biển quảng cáo không thuộc trường hợp phải xin Giấy phép xây dựng thì đơn vị thực hiện quảng cáo chỉ cần xin Văn bản chấp thuận sản phẩm quảng cáo tại vị trí phía trước ngôi nhà của gia đình tại Sở Văn hóa thể thao và du lịch mà thôi.

Lưu ý: Đơn vị thực hiện quảng cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác nội dung thể hiện bên trong Bảng biển quảng cáo.

8.3 Mức phạt vi phạm đối với các quảng cáo ngoài trời không xin giấy phép

Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo được Quy định tại số Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/03/ 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Theo đó, hành vi quảng cáo ngoài trời không xin giấy phép bị xử phạt như sau:

Đối với hành vi gắn, treo bảng biển quảng cáo ngoài trời mà không lập hồ sơ thông báo xin Văn bản chấp thuận sản phẩm quảng cáo ngoài trời:

Điều 42. Vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Treo, dựng, đặt, gắn mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời không đúng vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

b) Không ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện quảng cáo trên mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo vượt diện tích quy định của bảng quảng cáo, băng-rôn tại vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

b) Không tự tháo dỡ băng-rôn đã hết hạn ghi trong thông báo; không tự tháo dỡ bảng quảng cáo, băng-rôn rách, nát, mất mỹ quan.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đặt biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo không đúng vị trí quy định trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính trị – xã hội;

b) Thể hiện lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa vượt quá diện tích theo quy định trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính trị – xã hội;

c) Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn không tuân theo quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; che khuất đèn tín hiệu giao thông; chăng ngang qua đường giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng;

d) Sửa đổi làm sai lệch nội dung quảng cáo đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Thông báo không đúng về nội dung quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo sau đây:

a) Sử dụng âm thanh trên màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời;

b) Không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung tên, địa chỉ của người thực hiện quảng cáo trên mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

b) Buộc tháo dỡ quảng cáo đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Đối với hành vi quảng cáo các hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà Không có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện quảng cáo.

Điều 49. Vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

8.4 Các Văn bản pháp luật quy định về quảng cáo ngoài trời hiện nay:

 

TT Tên Văn bản Nội dung điều chỉnh
1 Nghị định số 103/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng quy định về Biển hiệu Quy định về Biển hiệu
2 Luật Quảng cáo năm 2012 Quy định về hồ sơ, thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo ngoài trời
3 Thông tư số 10/2013/TT-BVHTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
4 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại TP Hà Nội

Mobile: 0904152023

Email: luatbachminh@gmail.com

Liên hệ qua Zalo

Văn phòng tại TP Hồ Chí Minh

Mobile: 0865 285828

Email: luatbachminh@gmail.com

Liên hệ qua Zalo

Chat với Luật Sư
Chat ngay