Xin giấy phép treo bảng biển quảng cáo ngoài trời

1. Vì sao phải xin giấy phép khi treo bảng, biển quảng cáo ngoài trời

Treo bảng biển quảng cáo liên quan ảnh hưởng đến cảnh quan của đô thị, khu di tích lịch sử, văn hóa, hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia…. Chính vì vậy, việc cá nhân, tổ chức treo bảng biển quảng cáo ngoài trời phải được giám sát và quản lý bởi cơ quan nhà nước. Hiện nay, quy định về việc treo bảng biển quảng cáo được pháp luật quy định tại Luật quảng cáo, cụ thể như sau:

Trích Luật Quảng cáo năm 2012

Điều 27. Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn

1. Việc đặt bảng quảng cáo, băng-rôn phải tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng; không được chăng ngang qua đường giao thông và phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Các sản phẩm quảng cáo thể hiện trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện.

3. Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính sách xã hội phải tuân theo những quy định sau:

a) Biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo phải đặt ở phía dưới cùng đối với bảng quảng cáo, băng-rôn dọc và phía bên phải đối với băng-rôn ngang;

b) Diện tích thể hiện của biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo không quá 20% diện tích bảng quảng cáo, băng-rôn.

Điều 30. Trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương xác nhận về việc nhận hồ sơ, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.

2. Phân biệt bảng biển quảng cáo và biển hiệu của công ty

Hiện nay, các quy định pháp luật chưa quy định cụ thể định nghĩa thế nào là “biển hiệu”, thế nào là “bảng, biển quảng cáo”. Từ thực tế việc sử dụng của cá nhân, tổ chức Luật Bạch Minh sẽ chỉ rõ cho mọi người các quy định về “biển hiệu” và “ bảng, biển quảng cáo”.

2.1 Biển hiệu của công ty:

Là bảng, biển được đặt tại trụ sở chính (thường gắn, đặt tại trước cửa nhà cổng nhà nơi kinh doanh của công ty). Mỗi công ty chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng; tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức. Biển hiệu phải có các nội dung sau: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp, tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, địa chỉ, điện thoại.

Một số quy định về biển hiệu:

– Chữ viết trên biển hiệu: Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.

–  Nội dung trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào

– Kích thước biển hiệu được quy định như sau:

+ Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà.

+ Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

2.2 Bảng, biển quảng cáo:

Được đặt tại vị trí, địa điểm mà công ty không thực hiện hoạt động kinh doanh,  mục đích của bảng biển quảng cáo là quảng cáo thương hiệu, dịch vụ và sản phẩm của công ty đến người tiêu dùng. Nội dung của bảng biển quảng cáo có thể chỉ là hình ảnh logo nhãn hiệu hoặc là thông tin về tên và địa chỉ của công ty và các hàng hóa dịch vụ mà công ty kinh doanh.

Có thể hiểu rằng, nếu một bảng có nội dung thể hiện tên gọi, địa chỉ của tổ chức, cá nhân được gắn tại địa chỉ kinh doanh của tổ chức đó thì đó gọi là biển hiệu. Trong trường hợp bảng, biển đó đặt tại vị trí khác không phải là địa chỉ hoạt động kinh doanh.

3. Các trường hợp không được treo bảng, biển quảng cáo

– Không treo bảng biển quảng cáo tại các khu vực không được quảng cáo như:

+ Trụ sở của cơ quan đảng, nhà nước các cấp, tổ chức chính trị – xã hội, doanh trại quân đội, trụ sở cơ quan công an, đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

+ Di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; các di tích có trong danh mục kiểm kê của Tỉnh/ Thành phố trực thuộc trung ương; di tích cách mạng kháng chiến; khuôn viên nơi đặt tượng đài, bia tưởng niệm và cơ sở tôn giáo.

+ Tại các tầng là nhà ở thuộc công trình cao tầng, nhà chung cư, khu tập thể cũ

+ Khu vực phạm vi hành lang an toàn đường bộ, hành lang an toàn đường sắt, hành lang an toàn bảo vệ luồng đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ đê điều, hành lang an toàn lưới điện cao áp

+ Một số khu vực không được quảng cáo khác theo quy định các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

– Không quảng cáo trên nóc nhà hoặc che lấp nóc nhà, mái nhà (trừ bảng quảng cáo dạng chữ, hình, biểu tượng).

4. Yêu cầu đối với nội dung bảng, biển quảng cáo

Giấy phép treo Bảng biển quảng cáo ngoài trời
Giấy phép treo Bảng biển quảng cáo

4.1 Nội dung bảng biển quảng cáo phải thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:

– Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;

– Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.

– Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.

4.2 Không được quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo

– Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

– Thuốc lá.

– Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

– Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

– Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.

– Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.

– Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

– Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.

4.3 Nội dung cấm trong quảng cáo

– Làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng; nội dung quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

– Có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật

– Gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

– Xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

– Sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

– Nội dung không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

– Sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.

– Nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh và vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

4.4 Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo

5. Thẩm quyền cấp giấy phép treo bảng, biển quảng cáo

Theo Quy định tại Luật Quảng cáo năm 2012 và Thông tư số 10/2013/TT-BVHTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời của Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương ban hànhSở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận và xử lý hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng, biển quảng cáo theo quy trình sau đây:

Bước 1Trước khi thực hiện quảng cáo, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến Sở Văn hóa và Thể thao nơi dự kiến thực hiện quảng cáo.

Bước 2: Sở Văn hóa và Thể thao tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ và đầy đủ theo quy định thì cấp Biên nhận hồ sơ có ghi rõ thời gian tiếp nhận và thời gian hẹn trả kết quả trao cho người nộp; hoặc

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, Cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn bằng văn bản cho người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Bước 3: Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được ghi trong sổ tiếp nhận hồ sơ, Sở Văn hóa và Thể thao có ý kiến trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân thông báo sản phẩm quảng cáo. Trong trường hợp không đồng ý với các nội dung trong hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của tổ chức, cá nhân, Sở Văn hóa và Thể thao phải trả lời, nêu rõ lý do và yêu cầu nội dung cần chỉnh sửa.

6. Hồ sơ xin giấy phép treo bảng, biển quảng cáo ngoài trời

Yêu cầu chung về hồ sơ xin giấy phép treo bảng, biển quảng cáo ngoài trời:

– Văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo (theo Mẫu số 5 ban hành Phụ lục kèm theo Thông tư số 10/2013/TT-BVHTDL ngày 06/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Yêu cầu ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn.

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo.

– Bản sao giấy tờ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ nếu Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo trong trường hợp nội dung Bảng, biển nhằm Quảng cáo các hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như:

+ Quảng cáo thuốc (Thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật) phải có: Giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam đang còn hiệu lực và Tờ hướng dẫn sử dụng và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuôc do Bộ Y tế phê duyệt.

+ Quảng cáo Mỹ phẩm phải có: Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được Sở y tế phê duyệt.

+ Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có: Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng do Bộ Y tế phê duyệt.

+ Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ (không thuộccác trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Khoản 4 Điều 7 của Luật Quảng cáo) phải có: Giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành;

+ Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;

+ Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của Bệnh viện/Phòng khám phải có: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Bệnh viện/Phòng Khám và danh mục kỹ thuật chuyên môn khám bệnh chữa bệnh mà Bệnh viện/Phòng Khám được Bộ y tế hoặc Sở Y tế phê duyệt; Chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện/Phòng khám; Giấy xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ Khám chữa bệnh do Bộ y tế hoặc Sở y tế phê duyệt và xác nhận.

+ Quảng cáo thiết bị y tế phải có: Giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu và đã đăng tải công khai nội dung và hình thức quảng cáo trên trang dịch vụ công về quản lý thiết bị y tế của Bộ y tế theo Quy định.

+ Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có: Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc Bảo vệ thực vật do cơ quan quản lý thuốc bảo vệ thực vật – Bộ y tế phê duyệt và xác nhận.

+ Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có: Giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;

+ Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có: Giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc thú y do cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

+ Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có: Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo phân bón do cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

– Bản sao văn bản về việc tổ chức sự kiện của đơn vị tổ chức trong trường hợp quảng cáo cho sự kiện, chính sách xã hội.

– Ma-két sản phẩm quảng cáo in mầu có chữ ký của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc chữ ký của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo. Trong trường hợp người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người quảng cáo là tổ chức thì phải có dấu của tổ chức.

– Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo; quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn.

– Bản phối cảnh vị trí đặt bảng, biển quảng cáo.

– Bản sao Giấy phép xây dựng công trình quảng cáo đối với loại bảng quảng cáo phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật quảng cáo.

– Văn bản chứng minh quyền sử dụng hình ảnh logo/Nhãn hiệu/Thương hiệu nếu trên bảng, biển quảng cáo có hình ảnh Logo/Nhãn hiệu như: Giấy chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu; Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền đối với hình ảnh logo

– Văn bản chứng minh quyền sử dụng hình ảnh nhân vật nếu trên Bảng, biển quảng cáo có hình ảnh nhân vật như: Hợp đồng/Thỏa thuận về việc cho thuê hình ảnh quảng cáo; Hợp đồng thuê diễn viên…

– Tài liệu chứng minh theo quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BVHTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nếu Bảng biển Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự như:

+ Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường;

+ Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự.

7. Thủ tục xin giấy phép treo bảng, biển quảng cáo ngoài trời

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng, biển quảng cáo ngoài trời phải gửi hồ sơ đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày.

Trình tự thủ tục xin giấy phép treo bảng, biển quảng cáo ngoài trời như sau:

Bước 1. Công ty chuẩn bị bộ hồ sơ xin giấy phép treo bảng, biển quảng cáo ngoài trời theo quy định theo pháp luật.

Bước 2. Công ty nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt vị trí bảng, biển quảng cáo.

Cụ thể:

– Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội tại: Số 47 Phố Hàng Dầu, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

– Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tại: Số 164 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

– Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Đà Nẵng tại: Tầng 17, Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, số 24 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

– …………

Bước 3. Nhận giấy biên nhận hẹn trả kết quả trong trường hợp hồ sơ công ty nộp đầy đủ theo quy định, trường hợp hồ sơ thiếu và không hợp lệ công ty phải bổ sung đầy đủ và nộp lại bộ phận một cửa.

Bước 4. Nhận giấy phép treo bảng, biển quảng cáo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao cấp phép.

8. Dịch vụ xin giấy phép treo bảng, biển quảng cáo ngoài trời của Luật Bạch Minh.

Văn phòng Luật sư Bạch Minh là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn xin giấy phép treo bảng, biển quảng cáo ngoài trời tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác.

Trình tự cung cấp dịch vụ xin giấy phép treo bảng, biển quảng cáo ngoài trời như sau:

Bước 1: Tiếp nhận thông tin yêu cầu tư vấn từ Khách hàng kèm theo thông tin về bảng biển quảng cáo và vị trí đặt bảng biển;

Bước 2: Tư vấn sơ bộ cho Khách hàng về các yêu cầu, điều kiện và hồ sơ xin Giấy phép treo bảng, biển quảng cáo ngoài trời  và Báo phí dịch vụ;

Bước 3: Soạn thảo hồ sơ xin giấy phép bảng biển quảng cáo ngoài trời và chuẩn bị các giấy tờ liên quan.

Bước 4: Đại diện công ty tiến hành thủ tục xin giấy phép treo bảng biển quảng cáo tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bước 5: Theo dõi và nhận kết quả giải quyết là Văn bản chấp thuận sản phẩm quảng cáo của Khách hàng.

Chi tiết xin liên hệ:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Trụ sở chính: Số 26, Ngõ 1/2 Vũ Trọng Khánh – KĐT Mộ Lao, Quận Hà Đông, TP Hà Nội

VPĐD tại TP Hồ Chí Minh: 30/99/21, Lâm Văn Bền, Quận 7, TP Hồ Chí Minh

Điện thoại/Zalo: 0904 152 023 – 0865.28.58.28

Hoặc Quý khách gửi yêu cầu tư vấn qua Emailluatbachminh@gmail.com

9. Văn bản pháp luật về xin giấy phép bảng biển quảng cáo

– Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 ngày 21/6/2012.

– Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.

– Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

– Thông tư số 10/2013/ TT-BVHTTDL ngày 06/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quảng cáo.

– Thông tư 04/2018/TT-BXD ngày 25/8/2018 của Bộ xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phương tiện quảng cáo ngoài trời.

– Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20/01/2016 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội.

– Quyết định 1057/QĐ-UBND ngày 13/3/2020 v/v thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2019, lĩnh vực: Nội vụ, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Giáo dục và đào tạo.

– Quyết định số 3684/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa năm 2022  thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

– ………

10. Xử lý vi phạm về bảng biển quảng cáo ngoài trời

Hiện tại các hành vi vi  phạm về bảng biển quảng cáo ngoài trời được quy định tại nghị định số 38/2021/NĐ- CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa quảng cáo. Cụ thể như sau:

Vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Treo, dựng, đặt, gắn mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời không đúng vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

b) Không ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện quảng cáo trên mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo vượt diện tích quy định của bảng quảng cáo, băng-rôn tại vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

b) Không tự tháo dỡ băng-rôn đã hết hạn ghi trong thông báo; không tự tháo dỡ bảng quảng cáo, băng-rôn rách, nát, mất mỹ quan.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đặt biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo không đúng vị trí quy định trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính trị – xã hội;

b) Thể hiện lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa vượt quá diện tích theo quy định trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính trị – xã hội;

c) Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn không tuân theo quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; che khuất đèn tín hiệu giao thông; chăng ngang qua đường giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng;

d) Sửa đổi làm sai lệch nội dung quảng cáo đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Thông báo không đúng về nội dung quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo sau đây:

a) Sử dụng âm thanh trên màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời;

b) Không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung tên, địa chỉ của người thực hiện quảng cáo trên mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

b) Buộc tháo dỡ quảng cáo đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

11. Các câu hỏi liên quan đến Giấy phép treo biển, bảng quảng cáo ngoài trời

11.1 Treo biển quảng cáo tại Nhà riêng có phải xin giấy phép không

Trả lời:

Trong trường hợp nhà riêng của bạn là nơi đăng ký trụ sở Công ty/Chi nhánh/Văn phòng đại diện, cửa hàng Hộ kinh doanh và Công ty/Chi nhánh/Văn phòng đại diện, cửa hàng Hộ kinh doanh thực hiện việc treo biển hiệu theo đúng quy định về kích thước, số lượng, nội dung thì không phải xin Giấy phép quảng cáo.

Nếu không phải là biển hiệu công ty nói trên, khi thực hiện treo bảng biển quảng cáo tại nhà riêng bạn vẫn phải xin giấy phép bảng biển quảng cáo tại Sở văn hóa, thể thao và du lịch. Trong trường hợp nếu có việc xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào nhà riêng của bạn thì Bạn hoặc Đơn vị thực hiện quảng cáo phải xin Giấy phép xây dựng bảng/biển quảng cáo ngoài trời tại Cơ quan quản lý xây dựng của địa phương.

11.2 Giấy phép quảng cáo bảng biển ngoài trời cấp cho nhiều địa điểm được không.

Trả lời:

Căn cứ vào Luật Quảng cáo năm 2012 và Thông tư số 10/2013/TT-BVHTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn (Quảng cáo ngoài trời).

Như vậy, các bảng, biển, Pano quảng cáo đặt tại địa bàn tỉnh/thành nào thì bạn phải lập hồ sơ xin Văn bản chấp thuận sản phẩm quảng cáo Bảng/biển/Pano tại tỉnh đó.

Trường hợp nếu trong một tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương mà bạn có nhiều điểm treo Bảng/Biển/Pano quảng cáo có nội dung giống nhau (Giống về nội dung, hình thức thể hiện, kích thước, thời gian thực hiện) thì chỉ cần xin một Văn bản chấp thuận sản phẩm quảng cáo cho các địa điểm trong phạm vi một Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương.

11.3 Có xin một giấy phép treo biển, bảng quảng cáo ngoài trời cho các địa điểm ở các tỉnh khác nhau được không.

Mỗi giấy phép bảng biển quảng cáo ngoài trời được cấp cho các địa điểm trong cùng một tỉnh, trong trường hợp công ty thực hiện quảng cáo tại nhiều tỉnh khác nhau thì mỗi địa điểm của mỗi tỉnh công ty thực hiện thủ tục xin cấp phép bảng biển quảng cáo riêng tại  mỗi tỉnh.

11.4 Thời hạn giấy phép treo biển, bảng quảng cáo ngoài trời tối đa là bao lâu

Hiện tại không có quy định về thời gian treo bảng biển quảng cáo ngoài trời, đối với từng tỉnh sẽ có quy định riêng về thời gian thực hiện treo bảng biển quảng cáo.

11.5 Mức phạt vi phạm hành chính đối với các quảng cáo ngoài trời không xin giấy phép

Căn cứ nghị định số 38/2021/NĐ- CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa quảng cáo. Quy định về việc không xin phép trước khi quảng cáo bảng biển quảng cáo ngoài trời như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo sau đây: b) Không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn.


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại TP Hà Nội

Mobile: 0904152023

Email: luatbachminh@gmail.com

Liên hệ qua Zalo

Văn phòng tại TP Hồ Chí Minh

Mobile: 0865 285828

Email: luatbachminh@gmail.com

Liên hệ qua Zalo

Chat với Luật Sư
Chat ngay