Hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu của việt nam ở nước ngoài

Toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại đã và đang là xu thế  tất yếu của nền kinh tế thế giới. Cùng với xu thế đó, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế với thế giới. Khi các doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch mở rộng thị trường thông qua việc xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia khác thì việc tìm hiểu và đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa xuất khẩu là một yêu cầu cấp thiết nhằm hạn chế các rắc rối và rủi ro pháp lý liên quan đến việc nhập khẩu có thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức cá nhân khác ở nước ngoài đó.

Theo quy định của pháp luật quốc tế, nhãn hiệu được đăng ký, bảo hộ theo nguyên tắc lãnh thổ, có nghĩa là Nhãn hiệu được bảo hộ trong phạm vi quốc gia cụ thể, các hành vị sản xuất, buôn bán, nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu của người khác tại quốc gia đó đều được coi là hành vi xâm phạm quyền và không được phép. Vậy nên, các doanh nghiệp Việt trước khi có kế hoạch xuất khẩu hàng hóa của mình ra nước ngoài thì cần tiến hành tra cứu đánh giá xem Nhãn hiệu cho hàng hóa đó đã được Nước ngoài bảo hộ cho tổ chức cá nhân nào hay chưa. Trường hợp nếu nhãn hiệu chưa bảo hộ cho ai thì Doanh nghiệp Việt cần chủ động tiến hành việc đăng ký xác lập quyền đối với Nhãn hiệu của mình tại nước đó. Việc đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp xâm nhập, giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu, chống lại mọi hành vi vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ cạnh tranh.

Để đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài có hai cách phổ biến, đó là:

Tổ chức cá nhân Việt Nam đăng ký Nhãn hiệu trực tiếp tại từng quốc gia theo thủ tục chung. Nhược điểm của cách thức đăng ký này là mất thời gian, tốn chi phí  và sẽ làm mất quyền ưu tiên về ngày nộp đơn nếu Chủ đơn muốn xin hưởng quyền ưu tiên về ngày nộp đơn và.

Tổ chức cá nhân Việt Nam đăng ký Nhãn hiệu Quốc tế theo hệ thống Madrid.

Trong bài viết này, Luật Bạch Minh sẽ hướng dẫn quý khách hàng thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế có nguồn gốc Việt Nam theo hệ thống Madrid.

Hệ thống Madrid là một hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu do Văn phòng quốc tế thuộc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý, ra đời để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nhãn hiệu cùng một lúc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hệ thống này được điều chỉnh bởi hai văn bản pháp lý chính: Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid. Việt Nam đã tham gia và là thành viên của cả Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid nên các doanh nghiệp Việt Nam có thể nộp đơn vào các quốc gia là thành viên của cả hai văn kiện trên.

Đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid có hiệu lực trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần 10 năm.

1. Điều kiện đăng ký nhãn hiệu của Việt Nam ở nước ngoài theo Hệ thống Madrid

– Cá nhân mang quốc tịch tại nước là thành viên của Hệ thống Madrid hoặc tổ chức có cơ sở kinh doanh hợp pháp tại nước là thành viên của Hệ thống Madrid có quyền nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid.

– Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid cần dựa trên đơn đăng ký có cơ sở đã được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ hoặc đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

2. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu của Việt Nam ở nước ngoài theo Hệ thống Madrid (theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid)

– 02 tờ khai yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam (theo mẫu);

– 02 bản Tờ khai MM2 (Đăng tải tại website: http://wipo.int);

– 07 mẫu nhãn hiệu kèm theo (Trường hợp đăng ký nhãn hiệu màu thì ngoài 07 mẫu nhãn hiệu màu, người nộp đơn cần nộp 05 mẫu nhãn hiệu đen, trắng);

– Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam được nộp thông qua các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);

– Bản photo đơn đăng ký cơ sở (đối với Nghị định thư) hoặc bản photo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (đối với Thỏa ước);

– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu có);

– 02 bản MM18 trong trường hợp đơn đăng ký quôc tế nhãn hiệu có chỉ định và Hoa Kỳ.

3. Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu của Việt Nam ở nước ngoài theo Hệ thống Madrid

– Phí thẩm định sơ bộ hình thức nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ: 2.000.000VNĐ;

– Phí nộp cho Văn phòng quốc tế có đăng tải tại website: http://wipo.int

Lưu ý:

– Các loại phí phải thanh toán đối với đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu bao gồm: phí cơ bản, phí riêng đối với bên tham gia được chỉ định đã tuyên bố nhận khoản phí riêng hoặc phí bổ sung và phụ phí (nếu có) trong trường hợp chỉ định bên tham gia không tuyên bố nhận khoản phí riêng.

– Lệ phí nộp đơn đăng ký nhãn hiệu màu sẽ cao hơn lệ phí nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đen trắng và phí được quy định tại WIPO.

4. Cách thức nộp đơn đăng ký nhãn hiệu của Việt Nam ở nước ngoài theo Hệ thống Madrid

Người nộp đơn có thể trực tiếp nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam hoặc Thông qua Luật Bạch Minh nộp hồ sơ. Trường hợp Người nộp đơn nộp trực tiếp. Hồ sơ được nộp tại:

– Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Trường hợp nộp đơn qua đường bưu điện, người nộp đơn cẩn chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó photo Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.

Lưu ý: Khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn cần gửi hồ sơ qua đường bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó.

5. Quy trình xử lý đươn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid

– Tiếp nhận đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam:

Dựa trên một đơn cơ sở hoặc một đăng ký cơ sở, người nộp đơn sẽ nộp một đơn đăng ký quốc tế tại nước xuất xứ (Cụ thể tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam). Sau khi tiếp nhận đơn, Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận ngày nộp đơn nếu đơn đầy đủ các tài liệu cần có. Ngày này được xem là ngày nhận đơn tại Văn phòng quốc tế nếu đơn được chuyến đến Văn phòng trong vòng 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận đơn. Tiếp đếp, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành xem xét sơ bộ về hình thức đối với đơn và tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết. Sau đó đơn sẽ được chuyển cho Văn phòng quốc tế của WIPO trong vòng 02 tháng kể từ ngày tiếp nhận đơn.

– Xử lý đơn tại Văn phòng quốc tế của WIPO:

Tại đây, đơn đăng ký sẽ được thẩm định về mặt hình thức: gồm tư cách người nộp đơn, mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm/dịch vụ… Thời gian này mọi giao dịch giữa người nộp đơn và Văn phòng quốc tế đều phải thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Nếu đơn thiếu sót Văn phòng quốc tế sẽ yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Trường hợp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, đơn đăng ký sẽ được ghi nhận trong đăng bạ quốc tế và được công bố trong Công báo nhãn hiệu quốc tế của WIPO. Văn phòng quốc tế thông báo cho từng bên tham gia nhận được yêu cầu bảo hộ trong đơ quốc tế hoặc chỉ định sau.

– Giai đoạn quốc gia:

Từ ngày đăng ký quốc tế hoặc chỉ định sau, việc bảo hộ nhãn hiệu tại từng bên tham gia được chỉ định sẽ giống như khi nhãn hiệu đó được nộp trực tiếp tại Cơ quan của bên tham gia đó. Thủ tục thẩm định đơn được tiến hành độc lập ở mỗi quốc gia hoặc tổ chức thành viên của hệ thống Madrid, việc từ chối bảo hộ ở một quốc gia chỉ định không làm ảnh hưởng đến việc xem xét bảo hộ ở các nước chỉ định khác. Mỗi bên tham gia được chỉ định thẩm định nội dung đơn trong khoảng thời gian quy định theo Thỏa ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid và sau đó thông báo kết quả cho Văn phòng quốc tế.

– Đăng bạ đăng ký quốc tế và công bố trên Công báo:

Đăng ký quốc tế sẽ được Văn phòng quốc tế ghi nhận, đăng bạ quốc tế và công bố trên Công báo. Văn phòng quốc tế sẽ gửi Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu nhãn hiệu quốc tế và thông báo đến cơ quan của nước xuất xứ và các nước được chỉ định của đăng ký quốc tế đó.

* Thời gian

– Đối với các quốc gia thành viên của Thỏa ước Madrid: Thời gian để các quốc gia này tiến hành xem xét và ra quyết định từ chối bảo hộ là 12 tháng tính từ ngày đơn quốc tế được Văn phòng quốc tế thông báo đến cho các quốc gia được chỉ định, nếu sau thời hạn này, các quốc gia được chỉ định không có thống báo gì thì mặc nhiên xem như Nhãn hiệu đã được chấp nhận bảo hộ tại quốc gia đó;

– Đối với các quốc gia, tổ chức là thành viên của riêng Nghị định thư Madrid (không đồng thời là thành viên của Thỏa ước Madrid): Thời gian tiến hành xem xét đơn là 18 tháng tính từ ngày đơn quốc tế được Văn phòng quốc tế thông báo đến cho các quốc gia được chỉ định và có thể kéo dài hơn nữa trong trường hợp từ chối dựa trên Đơn phản đối;

6. Những lưu ý khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid

Khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế, ngoài việc chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật quốc tế thì người nộp đơn cũng cần lưu ý những vấn đề như sau:

– Nghiên cứu thị trường dự định đăng ký bảo hộ nhãn hiệu một cách cụ thể, rõ ràng để xây dựng một chiến lược phát triển thương hiệu cẩn thận để có thể xác định các quốc gia cần nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Khi có chiến lược cụ thể thì việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế sẽ đạt hiệu quả cao.

– Chuẩn bị nguồn kinh phí khi nộp đơn đăng ký, bởi lẽ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế chi phí thường rất cao. Không chỉ về phần phí, lệ phí nhà nước, phí nộp đơn cho văn phòng quốc tế mà còn kinh phí để theo đuổi quá trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế.

Mọi thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn xin liên hệ

PHÒNG BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU – VPLS BẠCH MINH

Trụ sở chính: Số 26, Ngõ 1/2 Vũ Trọng Khánh – KĐT Mộ Lao, Quận Hà Đông, TP Hà Nội

VPĐD tại TP Hồ Chí Minh: 30/99/21, Lâm Văn Bền, Quận 7, TP Hồ Chí Minh

Điện thoại/Zalo: 0904 152 023 – 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại Hà Nội

Mobile: 0904 152 023

Email: luatbachminh@gmail.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh

Mobile: 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com

Chat với Luật Sư
Chat ngay