Đăng ký và sử dụng nhãn hiệu trên thực tế

Nhãn hiệu hay nhãn hiệu hàng hóa có mục đích sử dụng là để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau Và để phát huy được vai trò của Nhãn hiệu thì yêu cầu Chủ sở hữu nhãn hiệu phải sử dụng đúng nhãn hiệu mà mình đã đăng ký và được nhà nước cấp văn bằng bảo hộ độc quyền. Tuy vậy, trên thực tế tư vấn chúng tôi đã gặp không ít trường hợp Nhãn hiệu bị bên thứ ba gửi hồ sơ yêu cầu chấm dứt hiệu lực của Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu do Chủ sở hữu nhãn hiệu không sử dụng hoặc sử dụng không đúng nhãn hiệu đã đăng ký trong thời hạn 5 năm liên tục. Và chỉ khi được thông báo về việc chấm dứt hiệu lực thì Chủ sở hữu nhãn hiệu mới tìm hiểu các quy định của pháp luật nhằm mục đích tiếp tục duy trì hiệu lực và bảo vệ quyền chủ sở hữu của mình.

Như vậy, Chủ sở hữu cần hiểu rõ các căn cứ phát sinh quyền, giới hạn quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu, các nghĩa vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu, thế nào là sử dụng nhãn hiệu và làm sao để chủ sở hữu Nhãn hiệu yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước xử lý hành vi xâm phạm quyền

Thứ nhất: Về căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu:

Quyền sở hữu nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Riêng đối với Nhãn hiệu nổi tiếng, Quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng mà không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Như vậy, ngoại trừ nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu quốc tế có Chỉ định bảo hộ tại Việt Nam thì quyền sở hữu nhãn hiệu được xác lập khi được Cục Sở hữu trí tuệ Việt nam ra Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Thứ hai: Về phạm vi quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu:

Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được thực hiện các quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ.

Ở đây có các thuật ngữ cần hiểu rõ:

Về Phạm vi bảo hộ gồm:

Phạm vi lãnh thổ  bảo hộ hay còn gọi là hiệu lực của Văng bằng bảo hộ nhãn hiệu: Văn bằng bảo hộ do Việt Nam cấp có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ nhãn hiệu không đương nhiên được bảo hộ ở ngoài lãnh thổ việt nam.

Phạm vi về thời gian: Có nghĩa là Chủ sở hữu được thực hiện các quyền trong thời hạn Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu còn hiệu lực. Theo quy định Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn. Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có thể gia hạn hiệu lực nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm với điều kiện phải nộp hồ sơ gia hạn và lệ phí gia hạn, phí sử dụng Văn bằng bảo hộ.

– Phạm vi về đối tượng bảo hộ:  đó chính là Chủ sở hữu có các quyền đối với chính Mẫu nhãn hiệu và danh mục sản phẩm hàng hóa dịch vụ cụ thể tại Văn bằng bảo hộ.

+ Về Nhãn hiệu bảo hộ: Chính là Mẫu nhãn hiệu dán, in trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, đó có thể là Nhãn hiệu chữ, nhãn hiệu hình, nhãn hiệu chữ kết hợp với hình, được thể hiện bằng các màu sắc nhất định.

+ Về danh mục sản phẩm bảo hộ: Đây chính là các sản phẩm, dịch vụ mà Chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận trên Văn bằng bảo hộ.

Ngoại lệ: Về phạm vi đối tượng bảo hộ có ngoại lệ đó là trong trường hợp nếu phát hiện người thứ ba có hành vi sử dụng (trái phép) nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự thì cũng có thể yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước xem xét và xử lý hành vi xâm phạm quyền.

Thứ ba: Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ gì:

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu. Việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Nếu Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực thì bất kỳ người thứ ba nào có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ xem xét Chấm dứt hiệu lực Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Thứ tư: Thế nào là sử dụng nhãn hiệu trên thực tế:

 Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:

– Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh.

– Lưu thông (bao gồm cả hành vi bán, trưng bày để bán, vận chuyển sản phẩm), chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ;

–  Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ sử dụng một phần (phần hình hoặc phần chữ) hoặc sử dụng cả hình và chữ nhưng được sắp xếp bố trí khác với mẫu nhãn hiệu được bảo hộ. Như ví dụ dưới đây:

Theo đánh giá của chúng tôi, đối với mẫu nhãn hiệu này, chữ “V” cách điệu sẽ không được bảo hộ riêng (mà chỉ được bảo hộ tổng thể) do chỉ là chữ cái đơn thuần. Còn cụm từ “DESIGN” là từ có nghĩa tiếng Việt là “Thiết kế”, nếu được bảo hộ thì bảo hộ ở những nhóm sản phẩm, dịch vụ không liên quan đến thời trang, tư vấn thiết kế, kiến trúc, xây dựng vì có nghĩa mô tả sản phẩm, dịch vụ.

Như vậy có các câu hỏi đặt ra:

+ Nếu Chủ sở hữu đăng ký 1 kiểu và sử dụng một kiểu nói trên có được coi là sử dụng nhãn hiệu hay không? Nếu Chủ sở hữu không sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ 5 năm liên tục thì Bên thứ 3 có quyền yêu cầu Cục SHTT Chấm dứt hiệu lực của Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hay không?

+ Trong quá trình sử dụng, Chủ sử dụng nhãn hiệu phát hiện có người khác (người thứ ba) sử dụng Nhãn hiệu giống như mẫu nhãn hiệu mà Chủ sở hữu đang sử dụng cho các sản phẩm/dịch vụ trùng hoặc tương tự thì Chủ sở hữu có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu được không?  Căn cứ để kết luận có hay không có hành vi vi phạm trong trường hợp cụ thể này?

Thứ năm: Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thực hiện một trong các hành vi dưới đây mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Ví dụ:

Công ty A được Cục SHTT cấp băn bằng bảo hộ Nhãn hiệu “BACHMINH” cho hàng hóa: Dược phẩm

Trong thời hạn bảo hộ, Công ty A phát hiện trên thị trường có một Doanh nghiệp khác cũng sử dụng nhãn hiệu “BACHMINH” cho hàng hóa: Dược phẩm mà không được Công ty A cho phép.

– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

Cùng ví dụ trên,  trong thời hạn bảo hộ, Công ty A phát hiện trên thị trường có một Doanh nghiệp khác cũng sử dụng nhãn hiệu “BACH MINH” cho hàng hóa: Thuốc tân dược và mua bán thuộc tân dược mà không được Công ty A cho phép.

– Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

Ví dụ:

Công ty A được Cục SHTT cấp băn bằng bảo hộ Nhãn hiệu “BACHMINH” cho hàng hóa: Dược phẩm

Trong thời hạn bảo hộ, Công ty A phát hiện trên thị trường có một Doanh nghiệp khác  sử dụng nhãn hiệu “BACH MINH NEW” cho hàng hóa: Thuốc tân dược và mua bán thuộc tân dược mà không được Công ty A cho phép.

– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Ví dụ:

“Coca-Cola” là Nhãn hiệu nổi tiếng cho các sản phẩm (Nước ngọt có ga), Chủ sở hữu nhãn hiệu là Công ty Coca Cola có trụ sở tại Hoa Kỳ. Vì vậy, nếu không được phép của Chủ sở hữu nhãn hiệu mà bất kỳ tổ chức cá nhân nào sử dụng nhãn hiệu Coca Cola cho các sản phẩm trùng (nước ngọt có ga) hoặc các sản phẩm khác như:  Thực phẩm, nước uống bổ sung vi chất.. thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu nổi tiếng.

 Hy vọng rằng các nội dung trên sẽ hỗ trợ Chủ sở hữu nhãn hiệu hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ để có phương án sử dụng nhãn hiệu phù hợp. Hơn nữa từ những hành vi sử dụng nhãn hiệu, hành vi xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu các chủ sở hữu có thể tự xác định được có hay không có hành vi xâm phạm quyền để từ đó trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như (Thanh tra, quản lý thị trường, Hải Quan, Công an, Tòa án, UBDN các cấp) xem xét xử lý hành vi xâm phạm quyền.

Là Tổ chức đại diện SHCN và là Văn phòng tư vấn pháp luật, Văn phòng luật sư Bạch Minh cung cấp các dịch vụ sau:

  • Tư vấn miễn phí thủ tục đăng ký Nhãn hiệu hàng hóa, Nhãn hiệu dịch vụ;
  • Dịch vụ thiết kế logo, nhãn hiệu, bộ nhận dạng thương hiệu;
  • Đại diện Khách hàng tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu và trực tiếp theo dõi quá trình xử lý đơn tại Cục SHTT
  • Dịch vụ đại điện đăng ký gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu;
  • Dịch vụ phản đối cấp Văn bằng bảo hộ đối với đơn đăng ký Nhãn hiệu của bên thứ ba nếu có căn cứ chứng minh;
  • Dịch vụ đại diện yêu cầu các cơ quan nhà nước kiểm tra giám sát, xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu đang được bảo hộ;
  • Tư vấn và soạn thảo hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng Nhãn hiệu (Hợp đồng lixăng);
  • Tư vấn, định giá thương hiệu;

 Mọi yêu cầu tư vấn và đăng ký nhãn hiệu xin liên hệ

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Email: luatbachminh@gmail.com

Điện thoại tư vấn: 0904 152 023 hoặc 0865 28 58 28


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại Hà Nội

Mobile: 0904 152 023

Email: luatbachminh@gmail.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh

Mobile: 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com

Chat với Luật Sư
Chat ngay