Đăng ký nhãn hiệu

Mục lục bài viết

1. Các loại nhãn hiệu có thể đăng ký tại Việt Nam

Trích Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH ngày 08/07/2022 Hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và các luật sửa đổi bổ sung luật Sở hữu trí tuệ năm 2009; 2019; 2022.

Điều 4. Giải thích từ ngữ[3]

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

16. Nhãn hiệulà dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Điều 72. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1.[74] Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa.

Từ quy định có thể thấy, Nhãn hiệu đăng ký bao gồm các loại sau:

– Nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu thông thường dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. hoặc

– Nhãn hiệu đăng ký là Nhãn hiệu ba chiều hoặc

– Nhãn hiệu đăng ký là Nhãn hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng đồ hoạ được thể hiện bằng khuông nhạc 5 dòng kẻ. hoặc

– Nhãn hiệu đăng ký là Nhãn hiệu tập thể dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. hoặc

– Nhãn hiệu đăng ký là Nhãn hiệu chứng nhận mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

2. Ai có quyền đăng ký nhãn hiệu?

2.1 Quyền đăng ký nhãn hiệu của các Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá và kinh doanh dịch vụ:

Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

2.2 Quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của người khác mà mình phân phối, bán buôn, bán lẻ:

Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

2.3 Quyền đăng ký nhãn hiệu Nhãn hiệu tập thể:

– Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;

– Đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó. Đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

2.4 Quyền đăng ký nhãn hiệu Chứng nhận:

– Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

3. Phân nhóm hàng hoá dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu

Yêu cầu các hàng hóa, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với Bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.

Bảng phân loại hàng hóa và Dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu theo Thoả ước Ni-xơ bao gồm 35 nhóm hàng hoá và 10 nhóm dịch vụ. Cụ thể:

Từ nhóm 01 đến 34 là các nhóm Hàng hoá cụ thể:

Nhóm Tên Nhóm

1

Hóa chất dùng trong công nghiệp, khoa học, nhiếp ảnh, cũng như trong nông nghiệp, nghề làm vườn và lâm nghiệp; Nhựa nhân tạo dạng thô, chất dẻo dạng thô; Hợp phần chữa cháy và phòng cháy; Chế phẩm dùng để tôi, ram và hàn kim loại; Chất để thuộc da sống và da động vật; Chất dính dùng trong công nghiệp; Mát tít và các loại bột nhão bít kín khác; Phân ủ, phân chuồng, phân bón; Chế phẩm sinh học dùng trong công nghiệp và khoa học

2

Sơn, véc-ni, sơn mài; Chất chống rỉ và chất bảo quản gỗ; Chất nhuộm màu, màu nhuộm; Mực để in, đánh dấu và chạm khắc; Nhựa tự nhiên dạng thô; Kim loại dạng lá và dạng bột để sử dụng trong hội họa, trang trí, nghề in và nghệ thuật.

3

Mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh không chứa thuốc; Chế phẩm đánh răng không chứa thuốc; Nước hoa, tinh dầu; Chế phẩm tẩy trắng và các chất khác dùng để giặt; Chế phẩm để tẩy rửa, đánh bóng, tẩy dầu mỡ và mài mòn.

4

Dầu và mỡ công nghiệp, sáp; Chất bôi trơn; Chất để thấm hút, làm ướt và làm dính bụi; Nhiên liệu và vật liệu cháy sáng; Nến và bấc dùng để thắp sáng.

5

Các chế phẩm dược, y tế và thú y; Chế phẩm vệ sinh dùng cho mục đích y tế; Thực phẩm và chất dinh dưỡng phù hợp cho việc sử dụng trong y tế hoặc thú y, thực phẩm cho em bé; Chất bổ sung ăn kiêng cho người và động vật; Cao dán, vật liệu dùng để băng bó; Vật liệu để hàn răng, sáp nha khoa; Chất tẩy uế; Chất diệt động vật có hại; Chất diệt nấm, chất diệt cỏ.

6

Kim loại thường và quặng, hợp kim của chúng; Vật liệu xây dựng bằng kim loại; Cấu kiện bằng kim loại vận chuyển được; Cáp và dây kim loại thường không dùng để dẫn điện; Hàng ngũ kim và các vật dụng nhỏ làm bằng sắt; Đồ chứa đựng bằng kim loại để lưu giữ hoặc vận chuyển; Két sắt

34

Thuốc lá và các sản phẩm thay thế thuốc lá; Thuốc lá điếu và xì gà; Thuốc lá điện tử và bình sinh hơi cho người hút thuốc; Vật dụng cho người hút thuốc; Diêm.

 

Từ Nhóm 35 đến Nhóm 45 là các nhóm dịch vụ và cách dịch vụ có cùng mục đích được phân vào một nhóm. Cụ thể:

Nhóm

Tên Nhóm

35

Quảng cáo; Quản lý, tổ chức và quản trị kinh doanh; Hoạt động văn phòng.

36

Dịch vụ tài chính, tiền tệ và ngân hàng; Dịch vụ bảo hiểm; Bất động sản.

37

Dịch vụ xây dựng; Dịch vụ lắp đặt và sửa chữa; Dịch vụ khai thác mỏ, khoan dầu và khí.

..

45

Dịch vụ pháp lý; Dịch vụ an ninh thực thể nhằm bảo vệ người và tài sản hữu hình; Dịch vụ hẹn hò, dịch vụ mạng xã hội trực tuyến; Dịch vụ tang lễ; Dịch vụ trông giữ trẻ tại nhà.

4. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

Trích Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH ngày 08/07/2022 Hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và các luật sửa đổi bổ sung luật Sở hữu trí tuệ năm 2009; 2019; 2022.

Điều 100. Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;

b) Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật này;

c) Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;

d) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;

đ) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

e) Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Theo quy định nói trên, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu áp dụng đối với các loại nhãn hiệu. Thực tế tuỳ thuộc vào loại nhãn hiệu đăng ký mà có các hồ sơ cụ thể như sau:

4.1 Hồ sơ đăng ký các Nhãn hiệu thông thường:

– 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu được làm theo Mẫu số 08 – Phụ lục I Ban hành kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ.

– 05 Mẫu nhãn hiệu rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm.

– Danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu phải được phân loại phù hợp với bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ.

– Chứng từ nộp lệ phí đăng ký nhãn hiệu;

– Giấy uỷ quyền đại diện (nếu nộp đơn thông qua tổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp);

– Các tài liệu có liên quan khác như: Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu quyền đăng ký của người khác; Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên nếu có yêu hưởng quyền ưu tiên; Giấy phép kinh doanh hoặc CCCD bản sao chứng thực

4.2 Hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu là hình ảnh 3 chiều:

Ngoài bộ hồ sơ như Đăng ký nhãn hiệu thông thường. Đối với Nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu ba chiều. Yêu cầu mẫu nhãn hiệu đăng ký là ảnh chụp hoặc hình vẽ thể hiện hình phối cảnh và có thể kèm theo mẫu mô tả ở dạng hình chiếu.

4.3 Hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu Âm thanh

Ngoài bộ hồ sơ như Đăng ký nhãn hiệu thông thường. Đối với Nhãn hiệu đăng ký là Nhãn hiệu Âm thanh, yêu cầu mẫu nhãn hiệu đăng ký là tệp âm thanh định dạng kỹ thuật số .mp3 với dung lượng không quá 3 MB và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh, cụ thể là được thể hiện bằng khuông nhạc 5 dòng kẻ

4.4 Hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu Tập thể:

Ngoài bộ hồ sơ như Đăng ký nhãn hiệu thông thường. Tổ chức đăng ký Nhãn hiệu tập thể cần nộp thêm các tài liệu sau:

– Quy chế sử dụng Nhãn hiệu tập thể;

– Văn bản cho phép đăng ký Nhãn hiệu tập thể của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các nhãn hiệu tập thể chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ tại địa phương

– Văn bản cho phép đăng ký Nhãn hiệu tập thể của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các nhãn hiệu tập thể chưa tên địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam.

4.5 Đăng ký Nhãn hiệu Chứng nhận

Ngoài bộ hồ sơ như Đăng ký nhãn hiệu thông thường. Tổ chức đăng ký Chứng nhận cần nộp thêm các tài liệu sau:

– Quy chế sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận;

– Văn bản cho phép đăng ký Nhãn hiệu Chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các Nhãn hiệu chứng nhận chứa địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam.

5. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu thông qua Tổ chức đại diện Luật Bạch Minh

Trong trường hợp nếu Người nộp đơn Uỷ quyền cho tổ chức đại diện Sở hữu Công nghiệp Bạch Minh tư vấn và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Luật Bạch Minh sẽ tiếp hành qua các bước sau:

Bước 1: Tư vấn đánh giá sơ bộ về nhãn hiệu dự định đăng ký:

Sau khi khi tiếp nhận yêu cầu, các luật sư của chúng tôi sẽ đánh giá xem Nhãn hiệu có thuộc các trường hợp không được bảo hộ là Nhãn hiệu hay không? Đồng thời dựa vào yêu cầu của khách hàng về hàng hoá/dịch vụ, chúng tôi sẽ phân loại hàng hoá dịch vụ đăng ký nhãn hiệu phù hợp với Bảng phân loại hàng hoá theo Thoả ước Ni-xơ;

Bước 2: Tra cứu sơ bộ và tra cứu chuyên sâu để đánh giá khả năng bảo hộ của Nhãn hiệu nếu nộp đơn đăng ký:

Việc tra cứu đánh giá khả năng bảo hộ của Nhãn hiệu trước khi quyết định nộp đơn đăng ký có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của Khách hàng. Căn cứ vào kiến thức và kinh nghiệp pháp luật các luật sư của Luật Bạch Minh sẽ tiến hành tra cứu đánh giá sơ bộ về khả năng bảo hộ nhãn hiệu. Trong trường hợp đặc biệt theo yêu cầu của Khách hàng chúng tôi có thể sử dụng dịch vụ tra cứu nhãn hiệu chính thức của Cục Sở hữu trí tuệ để có kết luận đánh giá chính xác hơn về khả năng bảo hộ của Nhãn hiệu.

Sau tra cứu, nếu Nhãn hiệu có khả năng bảo hộ Chúng tôi sẽ gửi Khách hàng báo Phí, lệ phí đăng ký Nhãn hiệu kèm theo Giấy Ủy quyền đại diện và Hợp đồng tư vấn luật.

Bước 3: Luật Bạch Minh thừa uỷ quyền của Khách hàng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và theo dõi quá trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục SHTT:

Trên cở sở Văn bản Ủy quyền của Quý Khách, Luật Bạch Minh sẽ lập và ký Tờ khai, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nộp tại Cục SHTT. Luật Bạch Minh sẽ thay mặt Khách hàng theo dõi toàn bộ quá trình xử lý đơn để thông báo kịp thời về tiến độ xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu, nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu gửi khách hàng.

6. Lệ phí đăng ký nhãn hiệu

6.1 Các quy định chung về lệ phí đăng ký nhãn hiệu

– Khi nộp hồ sơ Đăng ký nhãn hiệu, Người nội đơn cần tính các khoản phí và lệ phí phải nộp và nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ cùng với thời điểm nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu.

– Các khoản Phí và lệ phí đăng ký nhãn hiệu sẽ không được Cục Sở hữu trí tuệ hoàn trả cho dù Nhãn hiệu có được cấp Văn bằng bảo hộ hay từ chối cấp Văn bằng bảo hộ.

–  Đối với các khoản phí và lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ: Người nộp đơn chỉ phải nộp sau khi nhận được Thông báo chấp thuận cấp Văn bằng và đề nghị nộp Phí và lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu từ Cục Sở hữu trí tuệ.

– Trong trường hợp trong đơn đăng ký nhãn hiệu, Người nộp đơn phân nhóm Hàng hoá/Dịch vụ chưa đúng và Cục Sở hữu trí tuệ có thông báo dự định từ chối nếu không phân nhóm lại và nộp các khoản phí phát sinh do việc phân nhóm Hàng hoá/Dịch vụ. Người nộp đơn cần phân nhóm lại và nộp bổ sung các khoản phí, lệ phí liên quan đến việc phân lại nhóm Hàng hoá/Dịch vụ trong đơn đăng ký nhãn hiệu.

– Ngoài khoản phí và lệ phí Nhà nước, trong trường hợp đơn đăng ký nộp qua Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp Người nộp đơn phải thanh toán Phí tư vấn và đại diện Sở hữu công nghiệp cho Tổ chức đại diện. Mức phí cụ thể theo yêu cầu tư vấn và theo thoả thuận giữa người nộp đơn với từng tổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp.

6.2 Nguyên tắc tính phí và lệ phí khi nộp đơn Đăng ký nhãn hiệu

– Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu được tính theo từng Đơn đăng ký

– Số Phí và lệ phí mà Người nộp đơn phải nộp được tính theo số lượng Nhóm hàng hoá/Dịch vụ trong một đơn (Mỗi đơn chỉ đăng ký cho 01 Nhãn hiệu với nhiều nhóm hàng hoá/dịch vụ cụ thể)

– Trường hợp nếu trong mỗi Nhóm có nhiều sản phẩm hoặc nhiều dịch vụ. Từ sản  phẩm/dịch vụ thứ 07 trở đi Người nộp đơn phải nộp phí lệ phí tính cho từng sản phẩm/dịch vụ vượt quá.

6.3 Quy định về các khoản Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu

Hiện tại , các khoản Phí, lệ phí khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, Phí lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ được Quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính và Thông tư số 21. Cụ thể Khi nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu, người nộp đơn phải nộp các khoản phí và lệ phí như sau:

– Lệ phí nộp đơn đăng ký nhãn hiệu: 150.000 Việt Nam đồng/Đơn

– Phí công bố đơn đăng ký nhãn hiệu: 120.000 Việt Nam đồng/Đơn

– Phí tra cứu phục vụ Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu: 180.000 Việt Nam đồng/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ.

– Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi trong mỗi nhóm: 30.000 Việt Nam đồng/01 sản phẩm, dịch vụ

– Phí thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu: 550.000 Việt Nam đồng/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

– Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi trong mỗi nhóm: 120.000 Việt Nam đồng/01 sản phầm, dịch vụ.

7. Quy trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu:

Sau khi tiếp nhận đơn đăng ký Nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định đơn đăng ký theo trình tự các bước dưới đây:

Bước 1: Thẩm định hình thức đơn đăng ký Nhãn hiệu:

Là việc Cục SHTT kiểm tra tính thống nhất, chính xác của đơn đăng ký như thông tin người nộp đơn, Mô tả nhãn hiệu, phân nhóm, tính phí có chính xác hay không? Thời gian thẩm định là 30 ngày kể từ ngày nộp đơn. Nếu đơn hợp lệ Cục SHTT ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và ngược lại, nếu đơn đăng ký Nhãn hiệu có thiếu sót Cục sẽ ra Thông báo dự định từ chối và yêu cầu khắc phục các thiếu sót đó.

Bước 2: Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu:

Chỉ những đơn Đăng ký nhãn hiệu có Quyết định chấp nhận Đơn hợp lệ về hình thức, sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành Công bố trên Công báo Sở hữ công nghiệp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ.

Bước 3: Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu:

Trong thời gian 09 tháng kể từ ngày công bố đơn, Cục Sở hữu sẽ đánh giá nhãn hiệu có khả năng được Cấp Văn bằng bảo hộ hay không dựa theo các điều kiện bảo hộ.

Nếu nhãn hiệu có đáp ứng các điều kiện bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có Thông báo về dự định cấp Văn bằng bảo hộ và thông báo nộp lệ phí để cấp Văn bằng bẳng hộ nhãn hiệu. Chủ Văn bằng sẽ phải nộp các khoản phí lệ phí theo Thông báo để Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu.

Ở chiều ngược lại, nếu Nhãn hiệu không đáp ứng các điều kiện bảo hộ do trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu của người khác. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo dự định từ chối bảo hộ (toàn bộ hoặc một phần đối với nhãn hiệu hoặc từ chối toàn bộ hoặc một phần đối với hàng hoá dịch vụ trong đơn đăng ký nhãn hiệu). Tuỳ thuộc vào từng trường hợp người nộp đơn cần có Văn bản gửi Cục sở hữu trí tuệ trước khi Cục sở hữu trí tuệ từ chối chính thức.

Bước 4: Nhận Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu:

Trường hợp Nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận cấp Văn bằng, người nộp đơn cần nộp đầy đủ các khoản phí, lệ phí cấp Văn bằng trong thời hạn thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ. Thời gian nhận Văn bằng là sau 02 tháng kể từ ngày người nộp đơn độp đủ các khoản phí lệ phí cấp Văn bằng theo Thông báo.

8. Văn bản pháp luật về Đăng ký nhãn hiệu:

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung và về đăng ký nhãn hiệu nói riêng khá đầy đủ, các quy định của các văn bản tương đối chặt chẽ, đồng bộ từ các quy định trong Hiến pháp đến các luật chuyên ngành và Nghị định hướng dẫn cụ thể:

– Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các Luật sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 và 2022;

–  Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/08/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

9. Giải đáp về Nhãn hiệu và Đăng ký nhãn hiệu

9.1 Lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu

Mặc dù việc Đăng ký nhãn hiệu là quyền của tổ chức, cá nhân và không phải là nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện theo luật định. Tuy nhiên, với việc đăng ký nhãn hiệu có các ý nghĩa và mục đích dưới đây:

– Thể hiện sự Cam kết của Doanh nghiệp, cá nhân trước người tiêu dùng: Việc đăng ký ký nhãn hiệu là biểu hiện của sự cam kết chất lượng; chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá dịch vụ, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…

– Việc đăng ký nhãn hiệu xuất thể hiện nhận thức của chủ sở hữu nhãn hiệu trước khi đưa hàng hóa, dịch vụ bước chân vào thị trường nhằm khẳng định uy tín của tổ chức và chất lượng của hàng hoá, dịch vụ mà tổ chức đó cung cấp.

– Xuất phát từ nguyên tắc xác lập quyền  “Fisrt to file – Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên”. Theo đó, nếu cùng một nhãn hiệu nhưng được nhiều người cùng nộp đơn đăng ký, và nhãn hiệu đó đáp ứng các điều kiện bảo hộ thì Quyền ưu tiên cấp văn bằng sẽ dành cho đơn đăng ký có ngày nộp đơn sớm nhất.

– Ngoài ra, trong thực tiễn, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có các lợi ích:

– Góp phần Quyết định trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu của Doanh nghiệp, Tổ chức, cá nhân bởi  Nhãn hiệu có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu.

– Có căn cứ xuất trình khi các cơ quan Nhà nước (Thanh tra, Quản lý thị trưởng, Hải Quan, Công an) tiến hành kiểm tra, thanh tra hàng hóa;

– Có căn cứ Chứng minh việc sử dụng Nhãn hiệu nếu muốn đưa hàng hóa vào bán tại Siêu thị, Sàn thương mại điện tử..;

9.2 Các dấu hiệu không được bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu (tuyệt đối)

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, các đối tượng không được Bảo hộ dưới danh nghĩa là Nhãn hiệu bao gồm:

– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca;

– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;

– Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có;

– Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

– Các dấu hiệu xâm phạm pháp luật, và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

9.3 Các dấu hiệu không được bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu (tương đối):

– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;

– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;

– Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.

9.4 Các điều kiện để Nhãn hiệu được cấp Văn bằng bảo hộ:

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, Một dấu hiệu được đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộ và sử dụng làm nhãn hiệu hàng hoá/dịch vụ thì phải đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:

Điều kiện thứ nhất: Nhãn hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;

Điều kiện thứ hai:  Dấu hiệu đăng ký không thuộc các trường hợp tuyệt đối không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu hoặc thuộc trường hợp tương đối nhưng không được sự chấp thuận của các tổ chức liên quan. và

Điều kiện thứ ba: Nhãn hiệu đó phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Theo Khoản 2 Điều 74 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH ngày 08/07/2022 Hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và các luật sửa đổi bổ sung luật Sở hữu trí tuệ năm 2009; 2019; 2022

Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a)[78] Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu trước ngày nộp đơn;

b)[79] Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ, tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, hình dạng thông thường của hàng hóa hoặc một phần của hàng hóa, hình dạng thông thường của bao bì hoặc vật chứa hàng hóa đã được sử dụng thường xuyên và thừa nhận rộng rãi trước ngày nộp đơn;

c)[80] Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ hoặc dấu hiệu làm gia tăng giá trị đáng kể cho hàng hóa, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước ngày nộp đơn;

d) Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;

đ)[81] Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu trước ngày nộp đơn hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này;

e)[82] Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trừ trường hợp đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 hoặc bị hủy bỏ hiệu lực theo quy định tại Điều 96 theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật này;

g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;

h)[83] Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác đã được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá ba năm, trừ trường hợp đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 theo thủ tục quy định tại điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật này;

i)[84] Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nhãn hiệu nổi tiếng của người khác trước ngày nộp đơn đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;

k) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

l) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa;

m) Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;

n)[85] Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác đã hoặc đang được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu;

o)[86] Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên giống cây trồng đã hoặc đang được bảo hộ tại Việt Nam nếu dấu hiệu đó đăng ký cho hàng hóa là giống cây trồng cùng loài hoặc thuộc loài tương tự hoặc sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng;

p)[87] Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, hình ảnh của nhân vật, hình tượng trong tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.

9.5 Vì sao nên tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký

Mặc dù việc tra cứu không phải là một thủ tục bắt buộc trước khi đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế hiện nay số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ hàng năm là rất lớn. Do đó, việc lựa chọn nhãn hiệu không tương tự hoặc trùng với những nhãn hiệu đã nộp trước là rất quan trọng đối với những chủ sở hữu nộp sau.

Mặt khác, việc tra cứu nhãn hiệu sẽ giúp kiểm tra xem nhãn hiệu mà cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký có bị “trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn” với các Chỉ dẫn địa lý, các Kiểu dáng công nghiệp của người  khác hay không.

9.6 Các yêu cầu về mẫu Nhãn hiệu khi đăng ký:

Ngoài 02 mẫu nhãn hiệu được in hoặc dán trên tờ khai, đơn phải kèm theo 05 mẫu nhãn hiệu giống nhau và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

– 05 nhãn hiệu, kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm giống hệt như mẫu nhãn hiệu trên tờ khai.

– Mẫu nhãn hiệu phải rõ ràng, được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có); nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải được dịch ra tiếng Việt; nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó.

+ Đối với yêu cầu bảo hộ Nhãn hiệu có Màu sắc: Thì mẫu nhãn hiệu phải được trình bày đúng màu sắc yêu cầu bảo hộ. Nếu không yêu cầu bảo hộ màu sắc thì mẫu nhãn hiệu phải được trình bày dưới dạng đen trắng.

+ Đối với nhãn hiệu là hình ba chiều: thì mẫu nhãn hiệu phải kèm theo ảnh chụp hoặc hình vẽ thể hiện hình phối cảnh và có thể kèm theo mẫu mô tả ở dạng hình chiếu.

+ Đối với nhãn hiệu Âm thanh: Thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh định dạng kỹ thuật số .mp3 với dung lượng không quá 3 MB và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh, cụ thể là được thể hiện bằng khuông nhạc 5 dòng kẻ

9.7 Mẫu Tờ khai đăng ký nhãn hiệu

– Tờ khai đăng ký nhãn hiệu phải được làm theo mẫu. (hiện tại là Mẫu số 08 – Phụ lục I Ban hành kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ). Tờ khai phải được trình bày theo chiều dọc trên một mặt giấy khổ A4 (210mm x 297mm, trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, theo phông chữ Times New Roman, chữ không nhỏ hơn cỡ 13, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn.

– Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cần xác định rõ loại nhãn hiệu đăng ký là Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu ba chiều. Trong trường hợp là nhãn hiệu thông thường người nộp đơn không cần tích chọn các loại nhãn hiệu.

– Về Danh mục các hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu trong tờ khai: Người nộp đơn phải sắp xếp các hàng hóa, dịch vụ vào các nhóm phù hợp với Bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ. Nếu người nộp đơn không tự phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục sở hữu trí tuệ sẽ có thông báo phân loại và người nộp đơn phải nộp phí phân loại theo quy định.

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Phòng Đăng ký Nhãn hiệu – Văn phòng luật sư Bạch Minh

Trụ sở chính: Số 26, Ngõ 1/2 Vũ Trọng Khánh – KĐT Mộ Lao, Quận Hà Đông, TP Hà Nội

VPĐD tại TP Hồ Chí Minh: 30/99/21, Lâm Văn Bền, Quận 7, TP Hồ Chí Minh

Điện thoại/Zalo: 0904 152 023 – 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại Hà Nội

Mobile: 0904 152 023

Email: luatbachminh@gmail.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh

Mobile: 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com

Chat với Luật Sư
Chat ngay