Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

Việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhãn hiệu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xử lý đơn cũng như ảnh hưởng đến khả năng và phạm vi bảo hộ nhãn nhãn hiệu sau này. Hồ sơ đầy đủ, hợp lệ về hình thức sẽ khiến cho việc thẩm định đơn đăng ký đúng theo thời gian. Ngoài ra, việc xác định đúng tên và nhóm hàng hóa dịch vụ đăng ký nhãn hiệu sẽ hạn chế khả năng sai sót và tăng khả năng và phạm vi bảo hộ.

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, hồ sơ Đăng ký nhãn hiệu bao gồm các tài liệu dưới đây:

Trích Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH ngày 08/07/2022 Hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và các luật sửa đổi bổ sung luật Sở hữu trí tuệ năm 2009; 2019; 2022.

Điều 100. Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;

b) Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật này;

c) Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;

d) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;

đ) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

e) Chứng từ nộp phí, lệ phí.

1. Yêu cầu về mẫu Nhãn hiệu đăng ký:

Ngoài 02 mẫu nhãn hiệu được in hoặc dán trên tờ khai, đơn phải kèm theo 05 mẫu nhãn hiệu giống nhau và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

– 05 nhãn hiệu, kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm giống hệt như mẫu nhãn hiệu trên tờ khai.

– Mẫu nhãn hiệu phải rõ ràng, được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có); nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải được dịch ra tiếng Việt; nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó.

+ Đối với yêu cầu bảo hộ Nhãn hiệu có Màu sắc: Thì mẫu nhãn hiệu phải được trình bày đúng màu sắc yêu cầu bảo hộ. Nếu không yêu cầu bảo hộ màu sắc thì mẫu nhãn hiệu phải được trình bày dưới dạng đen trắng.

+ Đối với nhãn hiệu là hình ba chiều: thì mẫu nhãn hiệu phải kèm theo ảnh chụp hoặc hình vẽ thể hiện hình phối cảnh và có thể kèm theo mẫu mô tả ở dạng hình chiếu.

+ Đối với nhãn hiệu Âm thanh: Thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh định dạng kỹ thuật số .mp3 với dung lượng không quá 3 MB và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh, cụ thể là được thể hiện bằng khuông nhạc 5 dòng kẻ

2. Yêu cầu đối với Đơn đăng ký Nhãn hiệu

Các yêu cầu chung về Đơn đăng ký Nhãn hiệu:

– Mỗi đơn đăng ký Nhãn hiệu có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Một nhãn hiệu dùng cho Một hoặc Nhiều hàng hóa, dịch vụ khác nhau.

– Tờ khai đăng ký nhãn hiệu phải được làm theo mẫu. (hiện tại là Mẫu số 08 – Phụ lục I Ban hành kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ). Tờ khai phải được trình bày theo chiều dọc trên một mặt giấy khổ A4 (210mm x 297mm, trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, theo phông chữ Times New Roman, chữ không nhỏ hơn cỡ 13, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn.

– Mọi tài liệu của đơn đều phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu có thể được làm bằng ngôn ngữ khác như Giấy ủy quyền; Tài liệu hưởng quyền ưu tiên, Các tài liệu khác bổ trợ cho đơn đăng ký Nhãn hiệu (nếu có);

3. Yêu cầu về nội dung trong Tờ khai đăng ký Nhãn hiệu

3.1  Xác định loại Nhãn hiệu đăng ký:

Trong tờ khai, tại Mục “Loại nhãn hiệu yêu cầu đăng ký”, người nộp đơn cần xác định rõ loại nhãn hiệu đăng ký (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu ba chiều);

Trường hợp Nhãn hiệu đăng ký là Nhãn hiệu Chứng nhận: tại Mục “Mô tả tóm tắt đặc tính của hàng hóa/dịch vụ được chứng nhận”, người nộp đơn phải mô tả tóm tắt đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu (các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu);

.3.2 Phần Mô tả Nhãn hiệu:

Theo quy định, Nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có); nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải được dịch ra tiếng Việt; nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó. Cụ thể

– Nếu nhãn hiệu được cấu thành từ nhiều yếu tố (Hình, chữ) thì phần mô tả phải chỉ rõ các yếu tố cấu thành nhãn hiệu và sự kết hợp giữa các yếu tố đó; nếu nhãn hiệu chứa yếu tố hình thì phải nêu rõ nội dung và ý nghĩa của yếu tố hình;

– Nếu Nhãn hiệu đăng ký là Nhãn hiệu màu thì phải chỉ rõ yêu cầu đó và nêu tên màu sắc thể hiện trên nhãn hiệu;

– Nếu nhãn hiệu có chứa các chữ, từ ngữ không phải là tiếng Việt thì phải ghi rõ cách phát âm (phiên âm ra tiếng Việt) và nếu các chữ, từ ngữ đó có nghĩa thì phải dịch ra tiếng Việt;

– Nếu nhãn hiệu có chứa chữ số không phải là chữ số Ả-rập hoặc chữ số La-mã thì phải dịch ra chữ số Ả-rập.

– Nếu Nhãn hiệu đăng ký là Nhãn hiệu âm thanh: Người nộp đơn mô tả đầy đủ, chi tiết, hoàn chỉnh về dấu hiệu âm thanh yêu cầu đăng ký làm nhãn hiệu (âm thanh của nhạc cụ gì, có kèm lời hay không v.v…).

3.3 Yêu cầu phân nhóm hàng hóa dịch vụ đăng ký Nhãn hiệu:

Tại Phần Danh mục các hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu trong tờ khai yêu cầu Người nộp đơn phải sắp xếp các hàng hóa, dịch vụ vào các nhóm phù hợp với Bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Nếu người nộp đơn không tự phân loại hoặc phân loại không chính xác thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp sẽ phân loại và người nộp đơn phải nộp phí phân loại theo quy định;

3.4 Yêu cầu về tính lệ phí đăng ký nhãn hiệu

Tại Mục tính phí, lệ phí đăng ký Nhãn hiệu Người nộp đơn cần tính đúng đủ các khoản phí lệ phí theo Quy định.

Hiện tại theo Thông tư 263/2016/TT-BTC của Bộ tài chính, mức phí Quy định như sau:

Loại phí, lệ phí Cách Tính Phí
Lệ phí nộp đơn 150.000 /Đơn Đăng ký
Phí phân loại quốc tế về nhãn hiệu (nếu yêu cầu) 100.000 x Số nhóm sản phẩm/dịch vụ
Nếu Mỗi nhóm có trên 6 sản phẩm/dịch vụ (từ sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi mỗi sản phẩm thu thêm ) 20.000 x 01  sản phẩm/dịch vụ  vượt quá
 Phí  thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu yêu cầu) 600.000/Mỗi  yêu cầu/đơn ưu tiên
Phí công bố đơn 120.000/Đơn Đăng ký
Phí tra cứu phục vụ việc thẩm định đơn 180.000 x Số Nhóm
Nếu Mỗi nhóm có trên 6 sản phẩm/dịch vụ (từ sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi ) 30.000 x 01 Sản phẩm/dịch vụ  vượt quá
Phí thẩm định đơn Thu theo số lượng Nhóm 550.000 x Số Nhóm
Nếu Mỗi nhóm có trên 6 sản phẩm/dịch vụ (từ sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi mỗi sản phẩm/dịch vụ thu thêm  ) 120.000 một sản phẩm/dịch vụ vượt quá

4. Hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận:

4.1 Về các tài liệu cần bổ sung:

Đối với các Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận ngoài các nội dung nêu trên, người nộp đơn cần bổ sung các tài liệu sau:

– Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận;

– Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);

– Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

– Văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý cho đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

4.2 Yêu cầu về nội dung Quy chế sử dụng Nhãn hiệu tập thể và Nhãn hiệu Chứng nhận:

Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

a) Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;

b) Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;

c) Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;

d) Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;

đ) Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.

4.3 Yêu cầu về nội dung Quy chế sử dụng Nhãn hiệu Chứng nhận:

a) Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu;

b) Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;

c) Các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;

d) Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;

đ) Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.

Mọi yêu cầu Tư vấn – Tra cứu và Đăng ký nhãn hiệu xin liên hệ

Phòng Đăng ký Nhãn hiệu – Văn phòng luật sư Bạch Minh

Trụ sở chính: Số 26, Ngõ 1/2 Vũ Trọng Khánh – KĐT Mộ Lao, Quận Hà Đông, TP Hà Nội

VPĐD tại TP Hồ Chí Minh: 30/99/21, Lâm Văn Bền, Quận 7, TP Hồ Chí Minh

Điện thoại/Zalo: 0904 152 023 – 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại Hà Nội

Mobile: 0904 152 023

Email: luatbachminh@gmail.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh

Mobile: 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com

Chat với Luật Sư
Chat ngay