Chia tài sản chung của vợ chồng

Chia tài sản chung của vợ chồng

Một vấn đề được nhiều cặp vợ chồng quan tâm, đó là tài sản chung vợ chồng gồm những gì, ngoài tài sản chung thì vợ chồng có tài sản riêng hay không? Ngoài trường hợp chia tài sản khi ly hôn thì trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng có được chia tài sản chung hay không. Quy đinh của pháp luật về chia tài sản chung.

Với bài viết này, Luật Bạch Minh hy vọng Quý khách sẽ tìm được câu trả lời cho các vấn đền nêu trên

Thứ nhất

Tài sản chung vợ chồng gồm những gì?

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định

Trích Khoản 1 Điều 33 . Tài sản chung của vợ chồng

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Như vậy, hiểu một cách đơn giản: Tài sản chung vợ chồng bao gồm: Toàn bộ tài sản mà vợ chồng tạo ra trong thời gian hôn nhân từ lao động, sản xuất kinh doanh và tài sản mà vợ chồng có được do được thừa kế chung, được tặng cho chung.

Ở đây cần lưu ý rằng: Đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh (có được) từ tài sản riêng của vợ chồng thì cũng là tài sản chung, ngoại trừ trường hợp trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng đã có Văn bản thỏa thuận về phân chia tài sản chung.

Ví dụ: Trước khi kết hôn với chị B, Anh A là chủ sở hữu ngôi nhà và anh cũng không có ý định nhập quyền sở hữu ngôi nhà vào tài sản chung vợ chồng, hiện tại ngôi nhà đó Anh A đang cho thuê với giá 10 triệu một tháng, như vậy Quyền sở hữu ngôi nhà là tài sản riêng của anh A, nhưng tiền thuê nhà (hoa lợi) là tài sản chung vợ chồng.

 

Thứ hai:

Nguyên tắc xác định tài sản chung vợ chồng

Về nguyên tắc chứng minh nếu có tranh chấp: Trong trường hợp vợ hoặc chồng không chứng minh được tài sản đó là tài sản riêng thì đương nhiên nó là tài sản chung.

Tại Khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Thứ ba:

Trong thời kỳ hôn nhân ngoài tài sản chung thì vợ chồng có tài sản riêng không?

Hoàn toàn có

Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

Đó là các tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản mà vợ, chồng được tặng cho riêng, được thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân. Và các tài sản có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Ví dụ: Trong thời kỳ hôn nhân với anh A, Chị B được Bố mẹ để lại thừa kế riêng cho chị một số tiền tiết kiệm tại ngân hàng là 10 tỷ đồng thì số tiền này là tài riêng của Chị B.

Một ngày đẹp trời, Chị B rút số tiền này mua đủ một căn nhà thì căn nhà này là tài sản riêng của Chị vì nguồn gốc là từ số tiền tiết kiệm mà bố mẹ chị cho riêng.

 

Thứ tư

Ngoài trường hợp chia tài sản khi ly hôn thì trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng có được chia tài sản chung hay không?

Có được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Về trường hợp chia tài sản khi ly hôn đã được chúng tôi có bài viết và phân tích tại đây.

 Ngoài ra, trong thời kỳ hôn nhân, Vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc chia tài sản chung

Cụ thể:

Tại Khoản 1 Điều 38 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Vậy các trường hợp loại trừ được quy định tại Điều 42 Luật Hôn nhân gia đình là gì?

Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;

e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thứ năm:

Quy định của pháp luật về chia tài sản chung vợ chồng

Về Văn bản Luật:

Quy định về quan hệ tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, về tài sản chung tài sản riêng, chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại các điều 28 đến 50, và quy định về chia tài sản khi ly hôn  được quy định từ điều 59 đến điều 64  Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2014.

Về Nghị định

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014  Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình. Tại Chương II (từ Điều 7 đến Điều 18) là các quy định chi tiết về Chế độ tài sản của vợ chồng.

Về Thông tư:

Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP của Tòa án nhân dân tối cao- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Tư pháp Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Chế độ về tài sản vợ chồng được quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Thông tư liên tịch.


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại Hà Nội

Mobile: 0904 152 023

Email: luatbachminh@gmail.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh

Mobile: 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com

Chat với Luật Sư
Chat ngay