Ly hôn với người vợ đang ở nước ngoài

Người vợ đang làm việc sinh sống ở nước ngoài  muốn ly hôn với chồng đang sinh sống ở Việt Nam nhưng người vợ không thể về Việt Nam thì có ly hôn được không và ngược lại khi người vợ, người chồng đang sinh sống ở nước ngoài và không có ý định quay về Việt Nam thì người còn lại có thể xin ly hôn vắng mặt người vợ người chồng đang ở nước ngoài được hay không? Đây là câu hỏi mà chúng tôi nhận được từ Bạn Trần Văn Q trú tại huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương có nhờ Luật Bạch Minh tư vấn về hồ sơ, thủ tục ly hôn với vợ đang sinh sống ở nước ngoài với nội dung như sau:

Vợ chồng tôi đăng ký kết hôn tại Việt Nam năm 2017, đầu năm 2019 vợ chồng tôi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Sau khi hết hạn hợp đồng tôi phải về Việt Nam còn vợ tôi vẫn ở bên Hàn Quốc. Do hoàn cảnh xa cách nên đến nay tình cảm của vợ chồng tôi không còn. Vậy tôi có thể ly hôn với vợ trong khi cô ấy đang ở nước ngoài và có thể sẽ không về Việt Nam giải quyết việc ly hôn được không?

Nay Luật Bạch Minh xin đăng tải nguyên văn nội dung tư vấn điều kiện, hồ sơ thủ tục ly hôn vắng mặt người vợ đang ở nước ngoài

1. Các hình thức ly hôn với người vợ đang ở nước ngoài

Theo như thông tin bạn cung cấp, nếu tình cảm của vợ chồng bạn không còn, Bạn có thể tiến hành thủ tục ly hôn với vợ đang ở nước ngoài tại Toà án của Việt Nam. Tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà bạn có thể lựa chọn các hình thức ly hôn dưới đây:

1.1 Ly hôn thuận tình và không có tranh chấp về quyền nuôi con và tài sản:

– Đây là trường hợp ly hôn khá phổ biến của các cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn và chưa có con chung, chưa có tài sản chung. Giàng buộc duy nhất của hai người là tình cảm, nhưng nếu tình cảm vợ chồng không còn, hai bên không còn sự yêu thương, quan tâm, tôn trọng nhau thì ly hôn là giải pháp phù hợp.

– Đối với trường hợp vợ chồng đã có con chung và/hoặc đã có tài sản chung để được Toà án công nhận thuận tình ly hôn thì phải thoả mãn các điều kiện dưới đây:

+ Về hôn nhân: Cả hai bên đồng thuận tình ly hôn và đề nghị Toà án giải quyết ly hôn;

+ Về con chung dưới 18 tuổi hoặc con trên 18 tuổi nhưng không có khả năng lao động để tự nuôi mình: Vợ chồng đã đạt thoả thuận về việc ai sẽ có quyền trực tiếp nuôi con,  có hoặc không có yêu cầu mức cấp dưỡng nuôi con.

+ Về tài sản chung: Khi yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn thuận tình, vợ chồng không có tranh chấp về tài sản chung (vợ chồng tự thoả thuận về việc phân chia tài sản chung  hoặc không yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung).

1.2 Vợ chồng đồng ý ly hôn nhưng không thống nhất được quyển nuôi con hoặc có tranh chấp về tài sản chung:

Theo đó, vợ chồng cùng nhận thấy có các mâu thuẫn trầm trọng không thể hoà giải nên thống nhất là ly hôn. Tuy nhiên, các bên không thoả thuận được sau ly hôn ai có quyền nuôi con hoặc tranh chấp về việc phân chia tài sản chung vợ chồng. Do đó mặc dù đây là trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn nhưng được giải quyết theo thủ tục khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình vì có các tranh chấp.

1.3 Ly hôn đơn phương vắng mặt người vợ đang ở nước ngoài

– Người Chồng đang ở Việt Nam có quyền ly hôn đơn phương với vợ đang ở nước ngoài hoặc ngược lại:

– Người Vợ đang ở nước ngoài có quyền ly hôn đơn phương với người chồng hiện đang ở tại Việt Nam.

2. Hồ sơ ly hôn với người vợ đang ở nước ngoài

2.1 Hồ sơ ly hôn thuận tình với người vợ đang ở nước ngoài:

– Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn (theo mẫu). Trong trường hợp người vợ đang ở nước ngoài không thể về Việt Nam để giải quyết thì có thể làm đơn yêu cầu ly hôn và Đơn đề nghị Toà án giải quyết Vắng mặt.

– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản gốc).

–  Hộ chiếu/CCCD của vợ và chồng (bản sao chứng thực);

– Giấy xác nhận thông tin cư trú/ Thẻ tạm trú của vợ chồng (bản sao chứng thực);

– Bản trích lục khai sinh của con (nếu có con chung)

– Giấy tờ về tài sản, công nợ chung của vợ chồng (nếu có).

– Bản tự khai của vợ chồng về việc kết hôn, quá trình sống chung và nguyên nhân mâu thuẫn…

– Văn bản Uỷ quyền cho một bên nhận các văn bản tố tụng của Toà Án.

Lưu ý:

– Các giấy tờ trong hồ sơ nếu được cơ quan nước ngoài cấp cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự dịch công chứng sang tiếng Việt.

2.2 Hồ sơ ly hôn đơn phương vắng mặt người vợ đang ở nước ngoài:

– Đơn khởi kiện về việc ly hôn (theo mẫu) do bên yêu cầu ly hôn ký;

– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản gốc).

– CCCD của người khởi kiện (bản sao chứng thực);

– Giấy xác nhận thông tin cư trú của người khởi kiện (bản sao chứng thực);

– Hộ chiếu/CCCD của người bị khởi kiện nếu có (bản sao chứng thực);

– Thông tin về địa chỉ của Bị đơn ở nước ngoài, nếu không xác minh được địa chỉ cụ thể ghi rõ và đề nghị Toà án xác minh  thông tin từ cơ quan quản lý Xuất nhập cảnh về việc bị đơn đã xuất cảnh và chưa nhập cảnh về Việt Nam.

– Các giấy tờ khác có liên quan.

Lưu ý:

– Các giấy tờ trong hồ sơ ly hôn do cơ quan nước ngoài cấp cho người nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự dịch công chứng sang tiếng Việt.

– Nếu xin ly hôn Vắng mặt, Đơn xin ly hôn, bản tự khai và giấy uỷ quyền của người Việt Nam ở nước ngoài phải được xác nhận tại Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam.

3. Thẩm quyền giải quyết ly hôn với người vợ đang ở nước ngoài

Thẩm quyền của Toà án Việt Nam trong việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định như sau:

– Trường hợp ly hôn thuận tình: Tòa án cấp tỉnh nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp ly hôn thuận tình giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam có thẩm quyền giải quyết.

– Trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên (ly hôn đơn phương): Tòa án cấp tỉnh nơi cư trú, làm việc của bị đơn có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản về Tòa án giải quyết thì thẩm quyền thuộc về Tòa án theo sự lựa chọn các bên. Trường hợp bị đơn không có nơi cư trú, làm việc ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án cấp tỉnh nơi mình cư trú, làm việc giải quyết.

Lưu ý: Trường hợp người vợ ra nước ngoài bất hợp pháp thì không đủ cơ sở để khẳng định người vợ đang ở nước ngoài, do đó Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyển giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.

4. Thủ tục giải quyết ly hôn với người vợ đang ở nước ngoài

4.1 Thủ tục giải quyết ly hôn thuận tình khi người vợ đang ở nước ngoài:

Bước 1: Nộp hồ sơ ly hôn thuận tình tại Toà Án:

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết.

Lưu ý: Các bạn cũng có thể ủy quyền cho Luật sư của Luật Bạch Minh hoặc người nhà đến Toà án nộp hồ sơ trực tiếp.

Bước 2 : Tòa án xem xét, thụ lý hồ sơ và giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Trong thời hạn 07-12 ngày, Tòa án kiểm tra hồ sơ, nếu

+ Hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì Tòa án sẽ thông báo cho các đương sự nộp tiền tạm ứng án phí. Các bạn có thời gian 5 ngày để nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi hoàn thành việc đóng phí theo thông báo và nộp biên lai thu tiền, vụ việc ly hôn chính thức được Tòa án thụ lý và giải quyết theo quy định. Ngược lại

+ Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án sẽ thông báo để người yêu cầu ly hôn sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hồ sơ. Thời gian sửa đổi, hoàn thiện hồ sơ là 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Bước 3: Tòa án mở phiên họp giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.

Theo quy định Tòa án sẽ mở phiên họp để xem xét đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nếu cả hai bên hoặc một bên nước ngoài đã có đơn xin giải quyết Vắng mặt và trình bày nguyện vọng mong muốn ly hôn thuận tình thì Tòa Án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quyết định công nhận thuận tình ly hôn sẽ có hiệu lực ngay khi ban hành.

4.2 Thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương khi người vợ đang ở nước ngoài:

Khác với ly hôn thuận tình, Ly hôn theo yêu cầu của một bên được thực hiện theo Thủ tục giải quyết một vụ án dân sự. Theo đó, Người ly hôn đơn phương cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ ly hôn vào tiến hành ly hôn đơn phương tại cấp sơ thẩm theo các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền của Việt Nam.

Bước 2: Nhận và kiểm tra hồ sơ khởi kiện:

Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện ly hôn, Tòa sẽ xem xét hồ sơ khởi kiện đã đầy đủ hay chưa? Vụ việc có thuộc thẩm quyền của Toà án hay không? Nếu

+ Vụ kiện đúng thẩm quyền của Toà án tiếp nhận và hồ sơ khởi kiện đầy đủ và hợp lệ thì Tòa án sẽ thông báo cho các đương sự nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi hoàn thành việc đóng phí theo thông báo và nộp biên lai thu tiền, vụ việc khởi kiện ly hôn chính thức được Tòa án thụ lý và giải quyết theo quy định. Ngược lại

+ Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án sẽ thông báo để người khởi kiện ly hôn đơn phương sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ nhưng không đúng thẩm quyền thì Toà án thông báo cho người Khởi kiện biết thẩm quyền của Toà án và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền giải quyết.

Bước 3: Xác minh, thu thập chứng cứ:

Tuỳ thuộc vào từng vụ việc cụ thể, sau khi Thụ lý vụ án, Toà án sẽ triệu tập các bên cung cấp hồ sơ, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.

Toà án cũng tiến hành xác minh nhằm đánh giá chứng cứ và lời khai của các bên.

 Bước 4: Chuẩn bị xét xử

Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ tiến hành tổ chức các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải

+ Nếu hòa giải thành: Tòa án lập biên bản hòa giải thành (các bên cùng đồng ý ly hôn) và sau 07 ngày mà các được sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và quyết định này có hiệu lực ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

+ Trường hợp hòa giải không thành mà vụ án không thuộc các trường hợp đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thì Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Bước 5 : Phiên tòa xét xử sơ thẩm 

Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Bản án ly hôn của Tòa án có thể bị các bên đương sự kháng cáo để giải quyết lại theo thủ tục Phúc thẩm.

Theo quy định tại Điều 479 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án xét xử vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định như sau :

+ Nếu đương sự có mặt tại Việt Nam có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày

+ Nếu đương sự cư trú ở nước ngoài không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án là 01 tháng, kể từ ngày bản án, quyết định được tống đạt hợp lệ hoặc kể từ ngày bản án, quyết định được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 477 của Bộ luật này thì thời hạn kháng cáo là 12 tháng kể từ ngày tuyên án.

5. Chi phí giải quyết ly hôn với người vợ đang ở nước ngoài

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí toà án thì với yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn thuận tình, giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên án phí là: 300.000 đồng.

Trường hợp nếu các bên có tranh chấp về tài sản, Căn cứ vào giá trị tài sản tranh chấp được xác định bằng Tiền, các bên phải chịu án phí lệ phí toà án như sau:

TT

GIÁ TRỊ TÀI SẢN TRANH CHẤP ĐƯỢC XÁC ĐỊNH BẰNG TIỀN

MỨC THU

1 Từ 6.000.000 đồng trở xuống 300.000 đồng
2 Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng 5% giá trị tài sản có tranh chấp
3 Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
4 Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng
5 Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng
6 Từ trên 4.000.000.000 đồng 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

6. Mẫu đơn ly hôn với người vợ đang ở nước ngoài

7. Dịch vụ luật sư tư vấn ly hôn với người đang ở nước ngoài

Nhằm hỗ trợ khách hàng giải quyết việc ly hôn nhanh và trọn gói, Luật Bạch Minh cung cấp dịch vụ Luật sư Tư vấn, Luật sư đại diện các bên nộp đơn yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn với người nước ngoài cụ thể:

– Tư vấn cho khách hàng các hồ sơ cần chuẩn bị để nộp tại Tòa án yêu cầu về việc ly hôn có yếu tố nước ngoài;

– Tư vấn, đề xuất các phương án giải quyết các tranh chấp về quyền nuôi con sau ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng và phân chia tài sản vợ chồng (nếu có) để khách hàng xem xét và quyết định.

– Soạn thảo Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn hoặc Đơn khởi kiện ly hôn, bản tự khai và các giấy tờ liên quan cho khách hàng;

– Hợp pháp hoá lãnh sự và dịch công chứng sang tiếng Việt các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho các bên liên quan đến việc ly hôn.

– Dịch vụ Luật sư đại diện khách hàng liên quan đến việc hồ sơ, nhận kết quả giải quyết ly hôn với người nước ngoài của Tòa án.

– Nhận uỷ quyền giải quyết ly hôn thuận tình vắng một bên hoặc hai bên mặt trọn gói.

Luật Bạch Minh cam kết Dịch vụ trọn gói – Tuyệt đối bảo mật mọi thông tin mà khách hàng cung cấp.

Khách hàng gửi yêu cầu tư vấn cho Luật Bạch Minh theo một trong các địa chỉ sau:

+ Hòm thư điện tử: luatbachminh@gmail.com

+ Zalo/Viber: 0865.28.58.28

+ Hoặc gửi câu hỏi qua Website của Luật Bạch Minh theo đường dẫn sau:


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại Hà Nội

Mobile: 0904 152 023

Email: luatbachminh@gmail.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh

Mobile: 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com

Chat với Luật Sư
Chat ngay