Thủ tục ly hôn vắng mặt người nước ngoài tại Việt Nam

1. Ly hôn vắng mặt người nước ngoài là thế nào?

Ly hôn vắng mặt người nước ngoài là trường hợp Toà án có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn hoặc giải quyết đơn đề nghị ly hôn đơn phương theo yêu cầu công nhận ly hôn thuận tình của hai bên đương sự và một hoặc hai bên đương sự đang ở nước ngoài có đơn xin vắng mặt. Hoặc Toà án Việt Nam thụ lý và giải quyết Đơn khởi kiện ly hôn (Ly hôn đơn phương) của bên Việt Nam với một bên đang ở nước ngoài vắng mặt.

2. Các tình huống ly hôn vắng mặt người nước ngoài

Từ thực tiễn giải quyết các vụ việc ly hôn, chúng tôi xin tổng hợp các tình huống ly hôn mà người nước ngoài xin vắng mặt dưới đây:

2.1 Vợ chồng đều là người Việt Nam cùng thuận tình ly hôn nhưng các bên hiện đang ở nước ngoài nên xin giải quyết vắng mặt.

Đây là tình huống ly hôn khá phổ biến của các cặp vợ chồng. Vì khoảng cách địa lý nên vợ chồng không thể gần nhau thường xuyên, cuộc sống của mỗi bên độc lập và theo thời gian sự quan tâm và tình cảm vợ chồng không còn, hai bên nhận thấy rằng việc tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân là không thể và đồng thuận ly hôn.

Cần lưu ý rằng: Để Toà án công nhận thuận tình ly hôn thì ngoài việc đồng thuận ly hôn, hai vợ chồng cũng không có tranh chấp về các vấn đề khác như việc nuôi con chung (nếu có con), nghĩa vụ cấp dưỡng cho con (nếu có), phân chia tài sản chung vợ chồng (nếu có). Riêng đối với tài sản chung vợ chồng có thể đề nghị Toà án ghi nhận sự thoả thuận của hai bên hoặc không yêu cầu Toà án xem xét và vợ chồng tự giải quyết.

Về việc xin vắng mặt khi ly hôn: Theo quy định của Luật tố tụng dân sự: để Toà án giải quyết Vắng mặt, các bên ở nước ngoài phải có đơn đề nghị Toà án giải quyết vắng mặt, ngoài ra các bên cũng có thể Uỷ quyền cho Luật sư hoặc một người hiện đang ở Việt Nam nộp hồ sơ và nhận các Văn bản tố tụng của Toà án.

2.2 Thuận tình ly hôn giữa người Việt Nam với người mang quốc tịch nước ngoài và người nước ngoài xin vắng mặt tại Toà.

Quá trình chung sống, vợ chồng nhận thấy tình cảm và sự quan tâm chia sẻ dành cho nhau không còn  hoặc vợ chồng chưa thực sự hiểu nhau do khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá và lối sống của mỗi bên nên hai bên quyết định đồng thuận ly hôn. Cũng có trường hợp sau khi kết hôn bên Việt Nam không thể sang đoàn tụ ở với gia đình ở nước ngoài (đoàn tụ) do các điều kiện cấp Visa kết hôn, cấp thẻ cư trú của nước ngoài quá khó khăn nên. Như vậy mục đích kết hôn không thành và hai bên cùng đồng ý ly hôn.

Tuy nhiên, nếu người nước ngoài trực tiếp sang Việt Nam để thực hiện thủ tục ly hôn thì sẽ mất thời gian và chi phí đi lại, do đó đa phần người nước ngoài lựa chọn giải pháp là đồng thuận ly hôn và xin vắng mặt tại Phiên Toà. Để Toà án giải quyết Vắng mặt, bên người nước ngoài phải có đơn đề nghị Toà án Việt Nam giải quyết vắng mặt đồng thời phải Uỷ quyền cho vợ/chồng là bên Việt Nam thay mặt người ở nước ngoài nhận các Văn bản tố tụng của Toà án.

2.3 Vợ chồng đều là người quốc tịch Việt Nam, một bên khởi kiện ly hôn đơn phương với một bên đang ở nước ngoài nhưng không xác định được địa chỉ và vắng mặt.

Ở tình huống này có thể có trường hợp Hai vợ chồng trước đây ở nước ngoài (học tập, làm việc) và đã đăng ký kết hôn tại Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài nhưng nay một người đã về Việt Nam sinh sống và một bên vẫn ở nước ngoài hoặc sau khi kết hôn tại Việt Nam, vợ hoặc chồng đi làm việc ở nước ngoài nhưng không có kế hoạch quay trở về Việt Nam. Trong tình huống này, Bên ở Việt Nam có thể làm đơn khởi kiện gửi Toà án có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết việc ly hôn đơn phương với bên đang ở nước ngoài.

Khác với thủ tục thuận tình ly hôn, việc đơn phương ly hôn phải tuân theo trình tự thủ tục tố tụng khá phức tạp và mất thời gian nhất là khi không xác định được địa chỉ của bên Việt Nam đang ở nước ngoài. Theo đó, khi nhận được đơn khởi kiện ly hôn đơn phương Toà án phải tiến hành xác minh quan hệ hôn nhân, tình trạng mâu thuẫn vợ chồng và hồ sơ quản lý xuất nhập cảnh của Cục quản lý xuất nhập cảnh của người đó. Sau khi hoàn tất thủ tục xác minh Toà án sẽ Quyết định đồng ý ly hôn nếu xét thấy tình cảm vợ chồng không còn. Ngoài ra Toà án cũng xem xét yêu cầu về quyền nuôi con chung (nếu có).

2.4 Vợ hoặc chồng người Việt Nam đơn phương ly hôn với vợ hoặc chồng là người nước ngoài đang ở nước ngoài.

Sau khi hai bên hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn, bên người nước ngoài trở về nước để làm các thủ tục bảo lãnh cho người Việt Nam đoàn tụ nhưng do các bên không đáp ứng các điều kiện xin visa kết hôn hoặc visa định cư cho bên Việt nam dẫn đến việc vợ chồng xa cách mỗi người một nơi. Cá biệt có trường hợp người nước ngoài sau khi về nước thì quất ngựa truy phong, ngắt mọi liên lạc với bên Việt Nam.

Để chấm dứt quan hệ hôn nhân, Bên Việt Nam có thể làm đơn khởi kiện ly hôn đơn phương với người nước ngoài hiện đang ở nước ngoài nhưng vắng mặt.

Khác với thủ tục thuận tình ly hôn với người nước ngoài, việc đơn phương ly hôn với người nước ngoài phải tuân theo trình tự thủ tục tố tụng đặc biệt phức tạp và mất thời gian vì Toà án phải thực hiện việc Uỷ thác Tư pháp các Văn bản tố tụng của Toà án thông qua cơ quan đại diện ngoại giao. Theo đó, khi nhận được đơn khởi kiện ly hôn đơn phương Toà án phải tiến hành đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao liên hệ với Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài xác minh thông tin, xác minh địa chỉ của người nước ngoài, tống đạt các Văn bản tố tụng của Toà án Việt Nam liên quan đến đề nghị ly hôn của vợ, chồng người Việt Nam, đồng thời ghi nhận ý kiến, quan điểm của người nước ngoài.

Sau khi hoàn tất thủ tục xác minh qua Uỷ thác Tư pháp, Toà án sẽ Quyết định đồng ý ly hôn nếu xét thấy tình cảm vợ chồng không còn.

Ly hôn vắng mặt người nước ngoài

3. Dịch vụ tư vấn ly hôn vắng mặt người nước ngoài

Nhằm hỗ trợ khách hàng giải quyết việc ly hôn nhanh và trọn gói, Luật Bạch Minh cung cấp dịch vụ Luật sư Tư vấn, Luật sư đại diện các bên nộp đơn yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn với người nước ngoài cụ thể:

– Tư vấn cho khách hàng các hồ sơ cần chuẩn bị để nộp tại Tòa án yêu cầu về việc ly hôn có yếu tố nước ngoài;

– Tư vấn, đề xuất các phương án giải quyết các tranh chấp về quyền nuôi con sau ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng và phân chia tài sản vợ chồng (nếu có) để khách hàng xem xét và quyết định.

– Soạn thảo Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn hoặc Đơn khởi kiện ly hôn, bản tự khai và các giấy tờ liên quan cho khách hàng;

– Hợp pháp hoá lãnh sự và dịch công chứng sang tiếng Việt các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho các bên liên quan đến việc ly hôn.

– Dịch vụ Luật sư đại diện khách hàng liên quan đến việc hồ sơ, nhận kết quả giải quyết ly hôn với người nước ngoài của Tòa án.

– Nhận uỷ quyền giải quyết ly hôn thuận tình vắng một bên hoặc hai bên mặt trọn gói.

Luật Bạch Minh cam kết Dịch vụ trọn gói – Tuyệt đối bảo mật mọi thông tin mà khách hàng cung cấp.

Khách hàng gửi yêu cầu tư vấn cho Luật Bạch Minh theo một trong các địa chỉ sau:

+ Hòm thư điện tử: luatbachminh@gmail.com

+ Zalo/Viber: 0865.28.58.28

+ Hoặc gửi câu hỏi qua Website của Luật Bạch Minh theo đường dẫn sau:

4. Hồ sơ thủ tục ly hôn thuận tình vắng mặt người nước ngoài

4.1 Hồ sơ ly hôn thuận tình vắng mặt người nước ngoài

– Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn (Theo mẫu);

– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản gốc). Trường hợp các bên đăng ký kết hôn tại nước ngoài thì trước khi ly hôn các bạn cần phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam theo quy định.

– Hộ chiếu/CCCD của vợ và chồng (bản sao chứng thực);

– Giấy xác nhận thông tin cư trú/ Thẻ tạm trú của vợ chồng (bản sao chứng thực);

– Bản trích lục khai sinh của con (nếu có con chung)

– Giấy tờ về tài sản, công nợ chung của vợ chồng (nếu có).

– Đơn đề nghị Toà án giải quyết vắng mặt một trong các bên đương sự. (nếu xin vắng mặt tại toà án)

– Bản tự khai của hai vợ chồng về việc kết hôn, quá trình sống chung và nguyên nhân mâu thuẫn, về nơi ở của mỗi bên…

– Văn bản Uỷ quyền cho một bên nhận các văn bản tố tụng của Toà Án.

Lưu ý:

– Các giấy tờ trong hồ sơ nếu được cơ quan nước ngoài cấp cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự dịch công chứng sang tiếng Việt.

– Danh mục hồ sơ chỉ có tính chất tham khảo, để biết hồ sơ chính thức Quý Khách vui lòng liên hệ với luật sư của Luật Bạch Minh.

4.2 Thủ tục ly hôn thuận tình vắng mặt người nước ngoài

Bước 1: Nộp hồ sơ ly hôn thuận tình vắng mặt người nước ngoài:

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, các bạn có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết.

Lưu ý: Các bạn cũng có thể ủy quyền cho Luật sư của Luật Bạch Minh hoặc người nhà đến Toà án nộp hồ sơ trực tiếp.

Bước 2: Tòa án xem xét, thụ lý hồ sơ và giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn

Trong thời hạn 07-12 ngày, Tòa án kiểm tra hồ sơ, nếu

+ Hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì Tòa án sẽ thông báo cho các đương sự nộp tiền tạm ứng án phí. Các bạn có thời gian 5 ngày để nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi hoàn thành việc đóng phí theo thông báo và nộp biên lai thu tiền, vụ việc ly hôn chính thức được Tòa án thụ lý và giải quyết theo quy định. Ngược lại

+ Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án sẽ thông báo để người yêu cầu ly hôn sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hồ sơ. Thời gian sửa đổi, hoàn thiện hồ sơ là 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Bước 3: Tòa án mở phiên họp giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.

Theo quy định Tòa án sẽ mở phiên họp để xem xét đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nếu cả hai bên hoặc một bên nước ngoài đã có đơn xin giải quyết Vắng mặt và trình bày nguyện vọng mong muốn ly hôn thuận tình thì Tòa Án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quyết định công nhận thuận tình ly hôn sẽ có hiệu lực ngay khi ban hành.

5. Hồ sơ thủ tục ly hôn đơn phương vắng mặt người nước ngoài

5.1 Hồ sơ khởi kiện ly hôn đơn phương với người nước ngoài:

– Đơn khởi kiện về việc ly hôn (theo mẫu) do một bên ký;

– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản gốc). Trường hợp các bên đăng ký kết hôn tại nước ngoài thì bạn cần phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam theo quy định.

– CCCD của người khởi kiện (bản sao chứng thực);

– Giấy xác nhận thông tin cư trú của người khởi kiện (bản sao chứng thực);

– Hộ chiếu/CCCD của người bị khởi kiện nếu có (bản sao chứng thực);

– Thông tin về địa chỉ nơi cư trú của người bị khởi kiện ly hôn. Nếu nguyên đơn không biết nơi cư trú, nơi làm việc của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

.- Các giấy tờ khác có liên quan.

Lưu ý:

– Các giấy tờ trong hồ sơ ly hôn do cơ quan nước ngoài cấp cho người nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự dịch công chứng sang tiếng Việt.

– Nếu xin ly hôn Vắng mặt, Đơn xin ly hôn, bản tự khai và giấy uỷ quyền của người Việt Nam ở nước ngoài phải được xác nhận tại Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam.

– Danh mục hồ sơ chỉ có tính chất tham khảo, để biết hồ sơ chính thức Quý Khách vui lòng liên hệ với luật sư của Luật Bạch Minh.

5.2 Thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương với người nước ngoài:

5.2.1 Các bước giải quyết ly hôn đơn phương tại cấp Sơ Thẩm

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền của Việt Nam.

Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ khởi kiện:

Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện ly hôn, Tòa sẽ kiểm tra đơn khởi kiện có đáp ứng các thông tin và yêu cầu hay chưa? Kiêm tra vụ việc có thuộc thẩm quyền của Toà án hay không? Nếu

+ Vụ kiện đúng thẩm quyền của Toà án tiếp nhận và đơn khởi kiện hợp lệ thì Tòa án sẽ thông báo cho các đương sự nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi hoàn thành việc đóng phí theo thông báo và nộp biên lai thu tiền, vụ việc khởi kiện ly hôn chính thức được Tòa án thụ lý và giải quyết theo quy định. Ngược lại

+ Nếu có căn cứ cho rằng việc ly hôn đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định trước đó, thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện và nêu rõ lý do.

+ Nếu đơn khởi kiện cần sửa đổi, bổ sung hoặc người khởi kiện cần cung cấp tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án sẽ thông báo để người khởi kiện ly hôn đơn phương sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

+ Nếu hồ sơ hợp lệ nhưng không đúng thẩm quyền thì Toà án chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người Khởi kiện biết.

Bước 3: Xác minh, thu thập chứng cứ:

Tuỳ thuộc vào từng vụ việc cụ thể, sau khi Thụ lý vụ án, Toà án sẽ triệu tập các bên cung cấp hồ sơ, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.

Toà án cũng tiến hành xác minh nhằm đánh giá chứng cứ và lời khai của các bên.

 Bước 4: Chuẩn bị xét xử

Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ tiến hành tổ chức các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và tiến hành hòa giải (trừ trường hợp một trong các bên đề nghị không hoà giải)

+ Nếu hòa giải thành: Tòa án lập biên bản hòa giải thành (các bên cùng đồng ý ly hôn) và sau 07 ngày mà các được sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và quyết định này có hiệu lực ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

+ Trường hợp hòa giải không thành mà vụ án không thuộc các trường hợp đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thì Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Bước 5: Mở phiên Tòa xét xử sơ thẩm 

– Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Ngược lại

– Toà án xử không chấp nhận yêu cầu ly hôn đơn phương của một bên nếu chưa đủ căn cứ cho ly hôn theo quy định của pháp luật.

5.2.2 Thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương tại cấp Phúc Thẩm

Bản án ly hôn của Tòa án có thể bị các bên đương sự kháng cáo để giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Theo quy định tại Điều 479 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án xét xử vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định như sau :

+ Nếu đương sự có mặt tại Việt Nam có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày

+ Nếu đương sự cư trú ở nước ngoài không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án là 01 tháng, kể từ ngày bản án, quyết định được tống đạt hợp lệ hoặc kể từ ngày bản án, quyết định được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 477 của Bộ luật này thì thời hạn kháng cáo là 12 tháng kể từ ngày tuyên án.

6. Thời gian giải quyết ly hôn với người nước ngoài vắng mặt:

Tùy vào từng vụ việc và yêu cầu cụ thể mà thời hạn giải quyết tại Toà án là khác nhau. Trên cơ sở luật định thì thời hạn giải quyết như sau:

– Ly hôn thuận tình: Thời gian khoảng từ 01 đến 02 tháng;

– Ly hôn đơn phương hay ly hôn theo yêu cầu của một bên: Cấp xét xử sơ thẩm khoảng từ  04 đến 06 tháng (nếu vắng mặt bị đơn, có tranh chấp tài sản,…thì có thể kéo dài hơn). Cấp Phúc thẩm từ 03 đến 04 tháng (nếu có kháng cáo, kháng nghị).

Trường hợp ly hôn vắng mặt thì thời gian khoảng từ 12 đến 24 tháng (do phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp).

7. Thẩm quyền giải quyết ly hôn với người nước ngoài của Toà án Việt Nam

7.1 Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc giải quyết ly hôn với người nước ngoài

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

+ Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.

+ Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

+ Tòa án Việt Nam có thẩm quyền chung trong giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam.

7.2 Thẩm quyền của Tòa án theo cấp giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài:

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Tòa án như sau:

+ Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài + Trong trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.

7.3 Thẩm quyền của Tòa án theo vùng lãnh thổ:

– Trường hợp thuận tình ly hôn: Tòa án nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

– Trường hợp đơn phương ly hôn: Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì trong trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản về Tòa án giải quyết thì thẩm quyền thuộc về Tòa án theo sự lựa chọn các bên, nếu hai bên không có thỏa thuận thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết. Đối với trường hợp bị đơn không có nơi cư trú, làm việc ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 40 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trường hợp nguyên đơn không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

8. Mẫu đơn ly hôn với người nước ngoài

8.1 Mẫu đơn thuận tình ly hôn với người nước ngoài

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN YÊU CẦU
GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ

(V/v: …………………………………..)

Kính gửi: Tòa án nhân dân…………………

Người yêu cầu giải quyết việc dân sự:

Địa chỉ:

Số điện thoại (nếu có): ….; Fax (nếu có):…………….

Địa chỉ thư điện tử (nếu có): ….

Tôi (chúng tôi) xin trình bày với Tòa án nhân dân việc như sau:

– Những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết:

– Lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết đối với những vấn đề nêu trên:

– Tên và địa chỉ của những người có liên quan đến những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết:

– Các thông tin khác (nếu có):

Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu:

  1.  …………………………………………….
  2. . ……………………………………………..

Tôi (chúng tôi) cam kết những lời khai trong đơn là đúng sự thật.

………, ngày…. tháng. năm……. 

NGƯỜI YÊU CẦU

Họ tên vợ                                 Họ tên chồng

Mẫu đơn này chỉ có giá trị tham khảo, để được tư vấn hướng dẫn viết đơn khởi kiện ly hôn đơn phương/ đơn công nhận thuận tình ly hôn, mọi người liên hệ đến Luật Bạch Minh để được cung cấp dịch vụ.

8.1 Mẫu đơn ly hôn đơn phương với người nước ngoài

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

=====***====

…….., ngày… tháng ….. năm 2023

ĐƠN KHỞI KIỆN LY HÔN

Kính gửi: Tòa án nhân dân tỉnh………………….

 Họ và tên người khởi kiện:…………..………………….

CCCD số:……………….. Ngày cấp:……………… Nơi cấp:………….

Nơi cư trú : ………………………………..……………..

Điện thoại liên hệ: …………………………………………

Xin được ly hôn với……:

Họ và tên người khởi kiện:…………..………………….

CCCD số:……………….. Ngày cấp:……………… Nơi cấp:………….

Nơi cư trú trước khi xuất cảnh : ………………………………..……………..

Địa chỉ liên hệ hiên tại: Ghi rõ địa chỉ bên nước ngoài của Bị đơn (nếu có)……………..

Tôi làm đơn này yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn  với nội dung yêu cầu cụ thể  sau đây:

1. Về quan hệ hôn nhân:

– Trình bày tóm tắt thời gian và nơi đăng ký kết hôn, nơi sinh sống của vợ chồng sau khi kết hôn và nơi sinh sống của vợ chồng tại thời điểm hiện tại.

– Trình bày tóm tắt về mâu thuẫn vợ chồng: Như từ bao giờ, vì nguyên nhân gì, và quá trình hoá giải hàn gắn tình cảm (nếu có) và mong muốn nguyện vọng của bên khởi kiện ly hôn.

2. Về con chung:

Nếu vợ chồng có con chung, thì ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh của con, tình hình hiện tại con đang ở với ai. Nếu con trên 7 tuổi phải tham khảo ý kiến của con bằng bản trình bày nguyện vọng của con muốn ở với ai. Sau ly hôn vợ chồng có thoả thuận được ai sẽ là người nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con….

3. Về tài sản chung:

– Nếu có yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung vợ chồng. Nêu tên từng tài sản chung và các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản chung. Như nhà đất, ô tô, xe máy, cổ phần, cổ phiếu….Trong trường hợp tài sản chung vợ chồng hiện cùng với các thành viên khác trong gia đình (ví dụ nhà ở chung cùng bố mẹ, anh chị em) cần ghi rõ thời gian quản lý sử dụng, công sức và chi phí cải tạo, xây mới…….

– Nêu cụ thể yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn vợ ví dụ: chia bằng hiện vật, chia bằng tiền (giá trị tài sản), chia đều hay phương án cụ thể khác nếu có.

4. Về Công nợ chung:

– Nếu vợ chồng có công nợ chung trong thời kỳ hôn nhân mà yêu cầu Toà án phân chia. Nêu tên cụ thể nợ ai, có giấy tờ hay không như khoản vay vốn ngân hàng, vay mua xe, vay vốn kinh doanh  …….

– Nêu cụ thể yêu cầu phân chia công nợ chung của vợ chồng khi ly hôn vợ ví dụ: Vợ chịu trách nhiệm với khoản vay nào? chồng chịu khoản vay nào…

5. Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện ly hôn gồm có:

(1). Giấy chứng nhận kết hôn.

(2). Căn cước công dân

(3). Giấy xác nhận thông tin cư trú của người  khởi kiện.

(4). Giấy khai sinh của con (nếu có)

(5). Giấy tờ về tài sản (nếu có)

(6) Giấy tờ về công nợ chung (nếu có)

Tôi xin chân thành cảm ơn./.

Người làm đơn

Mẫu đơn này chỉ có giá trị tham khảo, để được tư vấn hướng dẫn viết đơn khởi kiện ly hôn đơn phương/ đơn công nhận thuận tình ly hôn, mọi người liên hệ đến Luật Bạch Minh để được cung cấp dịch vụ.

9. Các Văn bản pháp luật quy định về ly hôn với người nước ngoài:

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015;

– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

– Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của HĐTP Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình;

– Công văn số 253/TANDTC – PC  ngày  26/11/2018  của  Tòa  án  nhân dân Tối cao về việc giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ.

– Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu , nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

10. Tư vấn và giải đáp pháp luật về ly hôn vắng mặt người nước ngoài

Câu hỏi 1. Vợ chồng em lấy nhau từ năm 2018 đến 2019 vợ em đi xuất khẩu lao động làm việc tại Đài Loan. Từ đó đến nay tình cảm vợ chồng em cũng không hòa thuận, từ năm 2019 đến nay hai vợ chồng em không liên lạc gì với nhau. Luật sư cho em hỏi em có quyền yêu cầu ly hôn không ạ?.

Nội dung tư vấn: Đối với trường hợp của bạn, vợ chồng bạn đã không liên lạc từ năm 2019 đến nay là 3 năm. Bạn liên hệ lại với người nhà của vợ bạn để xác minh xem vợ bạn có thường xuyên liên lạc không. Nếu từ 2019 đến nay vợ bạn không liên lạc với bất kỳ ai thì bạn tiến hành nộp đơn lên tòa yêu cầu tuyên bố mất tích. Sau khi có Bản án của Tòa bạn tiến hành thủ tục tiếp theo về ly hôn.

Trong trường hợp vợ bạn vẫn có liên lạc với người nhà thì bạn có quyền nộp đơn khởi kiện ly hôn đơn phương đến Tòa án để yêu cầu giải quyết vụ việc ly hôn.

Câu hỏi 2. Chồng em là người quốc tịch Hàn Quốc, hai vợ chồng em kết hôn tại Việt Nam năm 2020, sau khi kết hôn chồng em có về nước để làm việc và làm thủ tục bên Hàn Quốc nhưng đến nay không có ý định đưa em sang bên Hàn Quốc để chung sống cũng không có ý định quay lại Việt Nam. Từ đó đến nay chúng em vẫn liên lạc nhưng rất ít và hai người thường xuyên có xung đột. Luật sư cho em hỏi, tình trạng của em như vậy thì em có quyền đơn phương ly hôn với chồng em tại Việt Nam không?

Nội dung tư vấn: Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ chồng có nghĩa vụ chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc; do đó, nếu người nước ngoài bỏ về nước nhiều năm không có ý định quay lại Việt Nam hay đưa bạn ra nước ngoài thì người đó không thực hiện nghĩa vụ vợ chồng theo quy định và bạn có quyền khởi kiện ly hôn đơn phương đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh tại nơi bạn đăng ký thường trú.

Đối với trường hợp chồng bạn từ khi trở về nước và thời gian không có tin tức cho bạn từ một năm trở lên mà thân nhân của họ và các cơ quan có thẩm quyền (cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Hàn Quốc, các cơ quan có thẩm quyền tại Hàn Quốc), sau khi đã điều tra xác minh địa chỉ của chồng bạn theo thủ tục xuất nhập cảnh, địa chỉ mà chồng bạn khai khi đăng ký kết hôn theo giấy đăng ký kết hôn… nhưng cũng không biết tin tức, địa chỉ của họ, thì được coi là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ và bạn có quyền nộp đơn khởi kiện ra tòa án và sau khi tòa án xác minh không liên hệ được sẽ xử quyết định ly hôn đơn phương theo yêu cầu của bạn.

Hồ sơ bạn cần chuẩn bị nộp cùng đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn đơn phương bao gồm: (i) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, trường hợp các bên đăng ký kết hôn tại nước ngoài thì bạn cần phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam theo quy định; (ii) Bản sao công chứng Hộ chiếu/CCCD của bạn; (iii) Giấy xác nhận thông tin cư trú bạn; (iv) Bản sao công chứng thẻ tạm trú của chồng bạn khi ở Việt Nam; (v) Giấy tờ về tài sản, công nợ chung của vợ chồng (nếu có); (vi) Bản tự khai của hai vợ chồng.

Câu hỏi 3. Chào Luật sư, Tôi là người Việt Nam đã kết hôn với vợ có quốc tịch Trung Quốc năm 2018, vợ chồng tôi có 01 con chung hiện cả nhà đang sinh sống tại Việt Nam. Trong 1 năm gần đây vợ chồng chúng tôi thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và không ở chung với nhau, cháu nhỏ ở cùng mẹ và chúng tôi không có tài sản cũng như nợ chung gì cả. Hiện nay chúng tôi đồng ý về việc ly hôn nhưng không biết thủ tục và hồ sơ cũng như giải quyết ở đâu. Kính nhờ Luật sư tư vấn.

Nội dung tư vấn: Về việc vợ chồng bạn có kết hôn năm 2018 nhưng không nói rõ là có kết hôn hợp pháp tại cơ quan có thẩm quyền hay chỉ là sống chung với nhau và tổ chức kết hôn mà không đăng ký kết hôn. Nên chúng tôi chưa có đủ thông tin để tư vấn. Chúng tôi đưa ra phương án vợ chồng bạn có đăng ký kết hơn hợp pháp để bạn tham khảo:

Về việc hai vợ chồng tự nguyện đồng ý ly hôn và thỏa thuận về việc chăm sóc nuôi dưỡng con thì vợ chồng bạn nộp đơn giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp vợ chồng bạn thường trú tại các khu vực biên giới (Phạm vi khu vực biên giới trên đất liền tính từ biên giới quốc gia trên đất liền vào hết địa giới hành chính của xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền ) của hai nước Việt Nam và Trung Quốc thì bạn tiến hành thủ tục tại Tòa án nhân dân cấp Huyện nơi bạn đăng ký thường trú.

Hồ sơ bạn cần chuẩn bị nộp cùng đơn yêu cầu thuận tình ly hôn bao gồm: (i) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, trường hợp các bên đăng ký kết hôn tại nước ngoài thì bạn cần phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam theo quy định; (ii) Bản sao công chứng Hộ chiếu/CCCD của vợ chồng bạn; (iii) Giấy xác nhận thông tin cư trú bạn; (iv) Bản sao công chứng thẻ tạm trú của vợ bạn khi ở Việt Nam; (v) Trích lục giấy khai sinh của con bạn; (vi) Bản tự khai của hai vợ chồng.

Xem thêm video tư vấn ly hôn với người nước ngoài vắng mặt


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại Hà Nội

Mobile: 0904 152 023

Email: luatbachminh@gmail.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh

Mobile: 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com

Chat với Luật Sư
Chat ngay