Xin Giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng

Giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng là tên gọi tắt của Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng. Đây là một giấy phép do cơ quan quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm cấp cho tổ chức, cá nhân sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.

1. Vì sao phải xin giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.

Trích Luật An toàn thực phẩm số 55/2010

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

23. Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.

Như vậy, Thực phẩm chức năng bao gồm các nhóm các sản thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.

Theo quy định trước đây, mọi sản phẩm thực phẩm chức năng đều phải xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo, tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn luật An toàn thực phẩm thì chỉ các sản phẩm sau mới phải xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo:

+ Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ;

+ Thực phẩm dinh dưỡng y học.

+ Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi (trừ các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi cấm quảng cáo).

Trích Quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ

Điều 26. Các thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo

1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

2. Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật quảng cáo.

2. Các hành vi nghiêm cấm khi quảng cáo thực phẩm chức năng:

– Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

– Không được sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép;

– Không sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm sản phẩm thực phẩm chức năng của tổ chức, cá nhân khác.

– Không được sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự nếu không có tài liệu hợp pháp chứng minh.

– Không được quảng cáo thực phẩm chức năng nếu không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

3. Các loại giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng

3.1 Giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng dạng tĩnh

Là các quảng cáo không có âm thanh, ảnh không chuyển động (tĩnh). Thể hiện của quảng cáo dạng tĩnh thường thấy là các Maket/Poste, Pano, áp phích, bảng biển quảng cáo trên báo chí, các bài viết Pr quảng cáo sản phẩm trên báo giấy, báo điện tử.

3.2 Giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng trên truyền hình

Đặc điểm phân biệt ở quảng cáo trên truyền hình là: Nội dung quảng cáo có âm thanh và/hoặc có hình ảnh động. Thể hiện của quảng cáo dạng tĩnh thường thấy là các Video quảng cáo sản phẩm trên truyền hình, các video quảng cáo trên các kênh online, các bảng quảng cáo TVC ngoài trời .

Lưu ý: Quảng cáo bằng Clip âm thanh qua Radio, FM, đài tiếng nói Việt Nam.. cũng là một hình thức quảng cáo dạng động. (có âm thanh)

4. Hồ sơ xin giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng

Theo quy định tại Nghị định 15/2018 của Chính phủ, hồ sơ xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng bao gồm:

+ Đơn đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo theo Mẫu

+ Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Bản công bố sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);

+ Mẫu nhãn sản phẩm (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân);

+ Đối với quảng cáo trên báo nói, báo hình thì phải có kịch bản dự kiến quảng cáo và nội dung dự kiến quảng cáo ghi trong đĩa hình, đĩa âm thanh; hoặc

+ Đối với quảng cáo trên các phương tiện khác thì phải có Ma két chứa nội dung dự kiến quảng cáo đóng dấu treo xác nhận của tổ chức, cá nhân;

+ Đối với nội dung quảng cáo ngoài công dụng, tính năng của sản phẩm ghi trong bản công bố sản phẩm thì phải có tài liệu khoa học chứng minh (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);

Lưu ý:

Các tài liệu trong hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo phải được thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng.

5. Thủ tục xin giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng

Bước 1: Nộp hồ sơ xin cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, Tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo gửi hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo đến cơ quan cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

Lưu ý: Đối với quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, Quảng cáo thực phẩm dinh dưỡng cho y học nộp tại Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế:

+ Tổ chức cá nhân khai và nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến đến trang dịch vụ công của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế (https://vfa.gov.vn/dich-vu-cong.html) bằng chính tài khoản đã đăng ký công bố sản phẩm.

+ Tổ chức cá nhân cần xác định đúng loại thực phẩm xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo: (là Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ hay Thực phẩm dinh dưỡng cho y học..)

+ Sau khi nộp hồ sơ, hệ thống dịch vụ công sẽ trả đơn và yêu cầu Tổ chức, cá nhân ký chữ ký số (USB Topken) vào đơn đề nghị cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo và nộp hồ sơ. Hệ thống sẽ báo mức lệ phí thẩm định hồ sơ xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo phải nộp

+ Hồ sơ chỉ được coi là hoàn thành việc nộp sau khi Tổ chức đã hoàn tất việc nộp lệ phí thẩm định hồ sơ tại Cục An toàn thực phẩm thì hồ sơ mới chính thức được Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế tiếp nhận chính thức.

Bước 2: Cơ quan tiếp nhận thẩm định hồ sơ xin giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét hồ sơ.

+ Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ cơ quan tiếp nhận gửi thông báo từ chối tiếp nhận và căn cứ từ chối tiếp nhận;

+ Trường hợp hồ sơ phải sửa đổi bổ sung, cơ quan tiếp nhận sẽ gửi thông báo yêu cầu sửa đổi bổ sung hồ sơ và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sửa đổi và nộp hồ sơ bổ sung trong thời hạn 90 ngày làm việc, nếu sau 90 ngày làm việc kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị;

Bước 3: Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng:

+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ (bao gồm cả hồ sơ sửa đổi bổ sung), cơ quan tiếp nhận cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Trường hợp từ chối thì cơ quan tiếp nhận phải thông báo và nêu căn cứ từ chối.

6. Thẩm quyền cấp giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng

Theo quy định, cơ quan cơ quan cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng. Cụ thể:

– Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế: Cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và Thực phẩm dinh dưỡng cho y học;

– Chi Cục An toàn thực phẩm các tỉnh/thảnh phố: Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng, các sản phẩm sữa cho trẻ dưới 36 tháng tuổi (trừ các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi cấm quảng cáo).

7. Lệ phí cấp giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng

Theo Thông tư số 117/2018/TT-BTC ngày 28/11/2018 của Bộ Tài chính, Phí thẩm định nội dung kịch bản phim, chương trình trên băng, đĩa, phần mềm, trên các vật liệu khác và tài liệu trong quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế là: 1.100.000 đồng/lần/sản phẩm.

Lưu ý: Theo quy định hiện nay, Lệ phí thẩm định xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo giảm 10% để hỗ trợ các Doanh nghiệp do khó khăn do đại dịch Covid 19.

8. Thời gian cấp giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng:

Theo quy định của Nghị định 15/2018 của Chính phủ. Trong thời gian thẩm định cấp giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng là 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan tiếp nhận nhận đủ hồ sơ hợp lệ

Ngày nộp hồ sơ hợp lệ là ngày cơ quan tiếp nhận nhận đầy đủ hồ sơ bao gồm cả các hồ sơ sửa đổi bổ sung hợp lệ.

Nếu trong thời gian thẩm định hồ sơ xin cấp giấy xác nhận nội dung, Cơ quan tiếp nhận phát hiện tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật quảng cáo như: Quảng cáo khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo; Quảng cáo vi phạm pháp luật quảng cáo thì cơ quan tiếp nhận có quyền tạm dừng việc thẩm định hồ sơ cấp phép để xử lý vi phạm pháp luật quảng cáo. Việc thẩm định hồ sơ xin giấy phép quảng cáo chỉ được tiếp tục sau khi tổ chức, cá nhân hoàn tất việc xử lý vi phạm.

9. Văn bản pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng:

– Luật Quảng cáo năm 2012 ;

– Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo;

– Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An Toàn thực phẩm.

– Thông tư 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế  Quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế

Mọi yêu cầu tư vấn, giải đáp pháp luật liên quan đến việc xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng. Quý khách vui lòng liên hệ :

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Trụ sở chính: Số 26, Ngõ 1/2 Vũ Trọng Khánh – KĐT Mộ Lao, Quận Hà Đông, TP Hà Nội

VPĐD tại TP Hồ Chí Minh: 30/99/21, Lâm Văn Bền, Quận 7, TP Hồ Chí Minh

Điện thoại/Zalo: 0904 152 023 – 0865.28.58.28

Hoặc Quý khách gửi yêu cầu tư vấn và báo phí qua Emailluatbachminh@gmail.com


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẠCH MINH

Văn phòng tại Hà Nội

Mobile: 0904 152 023

Email: luatbachminh@gmail.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh

Mobile: 0865.28.58.28

Email: luatbachminh@gmail.com

Chat với Luật Sư
Chat ngay